Thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp theo mô hình 9+

Giáo dục - Ngày đăng : 06:24, 24/06/2020

(HNM) - Hiện nay, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có thể lựa chọn học văn hóa song song với học nghề (mô hình 9+) ở nhiều trình độ khác nhau. Đây là cơ hội tốt để các trường nghề mở rộng đối tượng tuyển sinh; đồng thời là giải pháp đột phá, thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp phát triển. Để tận dụng cơ hội này, các bên liên quan cần chủ động nhập cuộc.

Việc học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có thể lựa chọn học văn hóa song song với học nghề (mô hình 9+) góp phần thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp phát triển.

Con đường ngắn nhất để làm nghề

Với mô hình 9+, học sinh học hết lớp 9 có thể lựa chọn học các khóa đào tạo nghề ngắn hạn hoặc học chương trình 9+2, 9+3, 9+4, 9+5 theo quy định 8 bậc trình độ quốc gia. Thông qua các chương trình đào tạo linh hoạt, sau một vài năm học, người học được nhận bằng trung cấp, cao đẳng nghề để đi làm.

Trên thực tế, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thí điểm tuyển sinh, đào tạo nghề theo mô hình 9+, bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận. Bà Phạm Thị Lan Phương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp cho biết, trung bình mỗi năm, nhà trường đón 500-650 học sinh vào học theo mô hình này, đại đa số người học có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Về phía người học, cựu sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội Nguyễn Thiên Trường, hiện là cán bộ Phòng Tuyển dụng (Công ty Samsung Thái Nguyên) cho rằng: “Học theo mô hình 9+ là con đường ngắn nhất để làm nghề. Khi bạn bè cùng tuổi còn đi học hoặc chưa tìm được việc, tôi đã có bằng cao đẳng nghề, có việc làm, thu nhập”.

Hiệu quả của mô hình 9+ được thể hiện rõ hơn qua số lượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tại hệ thống giáo dục nghề nghiệp tăng từ 5% vào cuối năm 2014, lên 15% vào cuối năm 2019. Đặc biệt, từ ngày 1-7-2020, Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, thì cơ hội lựa chọn học nghề theo mô hình 9+ rộng mở hơn. Trong đó, luật cho phép người học có thể đăng ký học ở nhiều trình độ: Trung cấp, cao đẳng, đại học để có bằng kỹ sư thực hành, cử nhân thực hành. 

Gỡ vướng để nâng cao chất lượng

​ Mô hình 9+ là hướng phát triển tất yếu của giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Nam Nguyễn ​

Tỷ lệ học sinh học nghề theo mô hình 9+ tuy tăng nhanh, nhưng thực tế vẫn còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu đề ra tại Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, là đến cuối năm 2020, cả nước có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thực tế cho thấy, mục tiêu chưa đạt yêu cầu đề ra là do quá trình phát triển mô hình này còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Theo Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Lê Minh Thảo, đối tượng tuyển sinh của chương trình 9+ là học sinh 15-16 tuổi - độ tuổi vẫn phụ thuộc nhiều vào định hướng của phụ huynh. Ngoài ra, công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở vào hệ thống giáo

dục nghề nghiệp chưa được các ngành, địa phương quan tâm đúng mức. Do đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị các cơ quan chức năng tăng chỉ tiêu phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong quá trình tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề...

Còn theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Phạm Thị Hường, hiện học sinh học hết lớp 9 theo học trung cấp nghề và trung học phổ thông hệ giáo dục thường xuyên, thì chương trình học nghề sẽ hoàn thành trước 1 năm so với học văn hóa. Trong khi đó, trường nghề lại không thể dạy chương trình cao đẳng ở 1 năm trễ như vậy. Đây là “nút thắt” cần tháo gỡ trong quá trình liên thông đào tạo theo mô hình 9+.

Dưới góc độ phụ huynh, ông Nguyễn Văn Kha, tổ dân phố 1, phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) mong muốn, Nhà nước có chính sách miễn học phí đối với người học nghề theo mô hình 9+ ở tất cả các trình độ (hiện mới áp dụng cho hệ trung cấp).

Về vấn đề này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng cho biết, các cơ quan chức năng đang xây dựng dự thảo quy định khối lượng kiến thức văn hóa theo Luật Giáo dục sửa đổi. Ngay trong năm 2020, mô hình 9+ trình độ cao đẳng sẽ được áp dụng ở nhiều trường nghề. Mối liên kết 3 “nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo nội dung Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới”, cũng được quan tâm xây dựng…

Hà Hiền