Lô vải thiều đầu tiên của Hải Dương xuất khẩu sang Nhật Bản
Nông nghiệp - Ngày đăng : 11:40, 24/06/2020
Ông Nguyễn Khắc Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Ameii - đơn vị chịu trách nhiệm xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản, cho biết, sáng 23-6, sau khi thu hái vải thiều tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, công ty đã đưa lô hàng về xưởng, sau đó tổ chức sơ chế và vận chuyển lên tỉnh Bắc Giang, tiến hành xông hơi methyl bromide, đủ điều kiện xuất sang Nhật Bản. Sau khi đóng gói, quả vải được giữ trong kho lạnh đạt 14 độ C.
Trong ngày 24-6, lô hàng đầu tiên này, với khoảng hơn 2 tấn vải, được vận chuyển bằng máy bay; sau khoảng 7 tiếng sẽ được đối tác phía Nhật Bản nhận hàng và phân phối cho thị trường.
“Thị trường Nhật Bản đón nhận rất tốt quả vải thiều Việt Nam. Các đối tác của công ty cho biết, gần như không còn vải thiều tồn kho sau một ngày bày bán tại các siêu thị”, ông Nguyễn Khắc Tiến thông tin.
Năm 2020, toàn tỉnh Hải Dương trồng khoảng 9.800ha vải các loại. Trong đó, hai địa phương trồng nhiều nhất là huyện Thanh Hà (3.600ha), thành phố Chí Linh (3.900ha), sản lượng toàn vụ ước đạt khoảng 43.000 tấn. Hiện, 50% sản lượng vải của Hải Dương được xuất khẩu, trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính; 50% sản lượng còn lại được tiêu thụ trong nước.
Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, trước đó, lô vải thiều đầu tiên của tỉnh Bắc Giang đã được xuất sang thị trường Nhật Bản. Ngay khi được bày bán tại các siêu thị của Nhật Bản, quả vải tươi của Việt Nam đã được người tiêu dùng tại đây đón nhận và đánh giá cao về chất lượng.
Bình quân, giá bán lẻ vải thiều tươi tại các siêu thị Nhật Bản tương đương 530.000-550.000 đồng/kg, cao gấp 10 lần so với giá bán trong nước. Dự kiến, năm nay, khoảng 200 tấn vải thiều tươi của Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Để đáp ứng yêu cầu đối tác, vườn vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản được canh tác theo quy trình đặc biệt; được cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn; lập và lưu hồ sơ, nhật ký sản xuất...