Hơn 9,5 triệu ca mắc Covid-19, nền kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều bất trắc
Thế giới - Ngày đăng : 06:32, 25/06/2020
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, số người mắc Covid-19 chắc chắn sẽ vượt mốc 10 triệu trong tuần tới. Dự đoán này được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại châu Mỹ và một số nước châu Á.
Trước tình hình này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) qua báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới công bố nhận định, dịch Covid-19 gây ra một "cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy", khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sụt giảm 4,9% trong năm 2020. Triển vọng phục hồi sau dịch được đánh giá là “rất bất trắc” vì không thể dự báo được hướng phát triển của vi rút SARS-CoV-2. IMF viện dẫn số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, hơn 300 triệu việc làm đã biến mất trong quý II năm nay.
Cũng theo báo cáo, dù các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại ở nhiều nước, trong khi Trung Quốc chứng kiến sự hồi phục tốt hơn dự kiến, nhưng làn sóng lây nhiễm thứ hai đang đe dọa triển vọng này. IMF dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng trở lại 5,4% trong năm 2021, thay vì mức 5,8% như dự báo mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 4.
Châu Mỹ
Tại Mỹ, quốc gia có số ca mắc và tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới, dịch vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều thành phố. Mỹ hiện ghi nhận 2.459.174 người mắc Covid-19 (tăng 35.006 trường hợp). Trong đó, 124.200 người đã tử vong. Bang Texas đang trở thành điểm nóng mới khi số ca nhiễm mới trong ngày lần đầu tiên vượt mốc 5.000 ca. Trong tháng 6, tỷ lệ lây nhiễm tại khu vực này ở mức 9% so với mức 4,5% trong tháng 5.
Hiện số ca tử vong do dịch Covid-19 tại khu vực Mỹ Latinh đã vượt mốc 100.000 ca. Bên cạnh các tâm dịch Brazil (53.830 ca tử vong trong tổng số 1.188.631 người mắc bệnh) và Mexico (23.377 ca tử vong trong tổng số 191.410 người mắc bệnh), Chile cũng đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng các trường hợp nhiễm mới, với 3.649 ca nhiễm được ghi nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại nước này lên 254.416 trường hợp.
Tuy nhiên, một tín hiệu vui cho khu vực này là những tình nguyện viên có đủ điều kiện đã bắt đầu nhận được những liều vắc xin thử nghiệm phòng Covid-19 đầu tiên do các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Oxford hợp tác với AstraZeneca điều chế.
Châu Âu
Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét kế hoạch mở cửa biên giới với bên ngoài, nhưng trước mắt sẽ chưa cho phép nhập cảnh đối với các trường hợp không phải công dân EU đến từ Nga và Mỹ.
Nga thông báo ghi nhận thêm 7.176 ca nhiễm mới, đưa tổng số người mắc Covid-19 lên 606.881 ca, cao thứ ba thế giới. Ngoài ra, Nga cũng ghi nhận thêm 154 người tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca tử vong ở nước này lên 8.513 người.
Pháp đã đóng cửa 2 trường học ở thủ đô Paris như một biện pháp cẩn trọng sau khi ghi nhận các ca nhiễm mới, song khẳng định đây chưa phải là các ổ dịch có nguy cơ cao.
Bồ Đào Nha đã thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch tại thủ đô Lisbon và các khu vực lân cận sau khi hàng nghìn ca nhiễm mới được phát hiện. Trong vòng 1 tháng (từ 21-5 đến 21-6), nước này đã ghi nhận hơn 9.200 ca nhiễm mới, trở thành nước có tỷ lệ nhiễm mới/100.000 dân cao thứ hai châu Âu, chỉ sau Thụy Điển.
Bulgaria sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 15-7 do số ca mắc Covid-19 tiếp tục gia tăng. Tổng số ca nhiễm tại nước này đã lên 4.242 ca, trong đó có 209 ca tử vong.
Ukraine mở thêm bệnh viện chuyên trách Covid-19, nhằm khắc phục tình trạng thiếu giường bệnh tại các cơ sở y tế được chỉ định điều trị bệnh nhân Covid-19 do số ca nhiễm gia tăng.
Châu Á
Ấn Độ ghi nhận thêm 16.870 ca nhiễm mới và thêm 424 ca tử vong. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày ở mức cao như vậy kể từ khi dịch bùng phát. Hiện tổng số người mắc Covid-19 tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới đang là 472.985 người, trong khi số ca tử vong là 14.907.
Tại Trung Quốc, chính quyền thành phố Bắc Kinh cho biết, đợt bùng phát mới của dịch Covid-19, ảnh hưởng tới 256 người từ đầu tháng 6, hiện đã được kiểm soát, nhưng vẫn còn mối lo về nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Giới chuyên gia cảnh báo các đợt bùng phát nhỏ hơn và mang tính định kỳ có thể tái diễn trong tương lai.
Châu Phi
Nam Phi ghi nhận thêm 111 ca tử vong, số ca tử vong trong ngày cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đưa tổng số người thiệt mạng vì dịch bệnh lên 2.102 ca. Trong khi đó, số ca mắc tăng thêm 4.518 ca, lên 106.108 trường hợp. Bộ trưởng Tài chính nước này Tito Mboweni dự báo, GDP của Nam Phi có thể sẽ giảm khoảng 7,2% trong năm 2020, xuống mức thấp nhất trong vòng 90 năm qua.