Hà Nội: 6 tháng, vốn ODA thực hiện ước đạt hơn 1.500 tỷ đồng
Kinh tế - Ngày đăng : 11:22, 25/06/2020
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch chi đầu tư cho thành phố Hà Nội là 40.671,4 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài (ODA cấp phát) là 3.299,5 tỷ đồng. Tháng 5 vừa qua, thành phố đã điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn lần 1, theo đó, tổng chi đầu tư phát triển là 44.918 tỷ đồng. Đến hết tháng 5, toàn thành phố giải ngân được 8.121 tỷ đồng, đạt 18,1% kế hoạch giao.
Năm 2020, kế hoạch vốn được giao cho dự án ODA là 6.982 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch năm 2020 giao 5.971,25 tỷ đồng (vốn ODA cấp phát là 3.299,5 tỷ đồng); kế hoạch vốn năm 2019 chuyển sang năm 2020 là 1.010,8 tỷ đồng.
Đến hết tháng 6-2020, giá trị thực hiện kế hoạch năm 2020 ước 1.886,6 tỷ đồng, đạt 31,6% kế hoạch, trong đó, vốn ODA thực hiện 1.553,6 tỷ đồng, đạt 29,7% kế hoạch (vốn ODA cấp phát là 1.193,6 tỷ đồng, đạt 36,2% kế hoạch, vay lại là 360 tỷ đồng, đạt 18,6% kế hoạch). Giá trị giải ngân kế hoạch năm đạt 24,1%; giá trị giải ngân kế hoạch năm 2019 kéo sang năm 2020 đạt 24,2% kế hoạch.
Để thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA, thành phố đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ngay từ đầu năm, trong đó giao kế hoạch đầu tư phát triển sớm ngay từ đầu tháng 12-2019, thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công; rà soát lại cơ chế, chính sách…
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, quá trình triển khai thực hiện các dự án ODA, thành phố có một số vướng mắc. Đó là, dự án tuyến đường sắt đô thị 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vướng mắc về thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án (chưa thực hiện xong) và liên quan đến quy hoạch ga ngầm C9 (sát hồ Hoàn Kiếm) nên không thi công được các gói thầu xây lắp. Dự án này không giải ngân được kế hoạch vốn ODA cấp phát đã giao.
Dự án tuyến đường sắt thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội còn một số vướng mắc về thủ tục tạm ứng gói thầu số 9 - Hệ thống thẻ vé do chưa ký được hiệp định vay bổ sung 20 triệu euro với Chính phủ Pháp nên chưa ký được hợp đồng vay lại giữa Bộ Tài chính và thành phố.
Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá còn vướng mắc về giá trị phát sinh hợp đồng tư vấn do phải thực hiện thủ tục đấu thầu lại gói thầu 3.
Hai dự án trường nghề thuộc dự án “Tăng cường lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp” sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản chưa giải ngân được kế hoạch năm 2020 do còn vướng mắc về thủ tục ký hợp đồng vay lại với Bộ Tài chính.
Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14-8-2019 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, trong đó có quy định về quy trình, thủ tục cập nhật giá gói thầu; thẩm quyền quyết định sử dụng chi phí dự phòng của giá gói thầu khi cập nhật giá; giúp Hà Nội tháo gỡ vướng mắc với các dự án đang gặp khó khăn...
Nhận xét về việc giải ngân vốn ODA của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đánh giá, so với mặt bằng chung của cả nước, kết quả giải ngân của thành phố đạt mức cao hơn, cho thấy Hà Nội rất tích cực trong công tác giải ngân vốn.