Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức
Đời sống - Ngày đăng : 13:19, 26/06/2020
Đề án nhằm bảo đảm thống nhất về quản lý cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế; thông tin cơ bản về cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan nhà nước được quản lý tập trung, thống nhất trong cơ sở dữ liệu.
Sử dụng sơ yếu lý lịch điện tử thay thế sơ yếu lý lịch giấy
Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2022 và các năm tiếp theo sẽ đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức vào quản lý và khai thác sử dụng. Gắn việc khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với công tác quản lý nhà nước, công tác chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính liên quan đến công tác quản lý cán bộ của các cơ quan nhà nước.
Đặc biệt, đến năm 2023, sử dụng sơ yếu lý lịch điện tử thay thế sơ yếu lý lịch giấy, giảm thiểu việc kê khai hồ sơ, sơ yếu lý lịch cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện quy trình tuyển dụng, nâng ngạch, chuyển ngạch, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, đề bạt, bổ nhiệm.... Từng bước số hóa thông tin dữ liệu để thay thế hồ sơ giấy truyền thống; thực hiện việc cấp biên chế công chức, số người làm việc và hợp đồng lao động trong các cơ quan nhà nước qua hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu.
Kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cổng dịch vụ công, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương để thu thập, tích hợp, tổng hợp, phân tích dữ liệu, dự báo hỗ trợ trong việc ban hành chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác cán bộ, nguồn nhân lực theo thời gian thực.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đặt tại Bộ Nội vụ
Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức viên chức trong các cơ quan nhà nước là hệ thống thông tin được thu thập, tích hợp, chia sẻ dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế phục vụ tổng hợp, phân tích dữ liệu nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan nhà nước các cấp và được thiết kế theo kiến trúc thống nhất, phù hợp với khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam; kế thừa nguồn dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu sẵn có.
Cơ sở dữ liệu bảo đảm tính bảo mật, an toàn thông tin trên cơ sở cung cấp giải pháp xác thực người dùng ở mức độ cao; mã hóa và ký số với các giao dịch dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy biên chế, giữa hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đặt tại Bộ Nội vụ với cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.
Thông tin, dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế của cơ quan nhà nước được chuẩn hóa, chuyển đổi đồng bộ, được đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật tối đa trước khi tích hợp về cơ sở dữ liệu quốc gia đặt tại Bộ Nội vụ.
Bộ Nội vụ xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia đảm bảo các tính năng chia sẻ, liên thông với các phần mềm, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và phần mềm nhập dữ liệu theo chuẩn chung để các bộ, ngành, địa phương chưa có phần mềm nhập các trường dữ liệu theo quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia tại Bộ Nội vụ.
Các cơ quan nhà nước, căn cứ văn bản quy định danh mục chuẩn thông tin, tiêu chuẩn kỹ thuật về phần mềm, cơ sở dữ liệu do Bộ Nội vụ ban hành, thực hiện việc xây dựng, nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm, cơ sở dữ liệu đảm bảo yêu cầu kết nối, liên thông, tích hợp dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức về cơ sở dữ liệu quốc gia tại Bộ Nội vụ; bảo đảm sự thống nhất trong công tác triển khai.
Thống nhất các tiêu chí thông tin quản lý và chia sẻ dữ liệu
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì rà soát, sửa đổi, bổ sung, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về việc xây dựng, triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước; các quy chuẩn, quy định kỹ thuật liên quan đến việc kết nối, chia sẻ dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương thống nhất các tiêu chí thông tin quản lý (đầu vào, đầu ra), mẫu sơ yếu lý lịch của cán bộ, công chức, viên chức điện tử áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống chính trị; thống nhất các giải pháp liên thông, chia sẻ, tích hợp thông tin dữ liệu của các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội do Ban Tổ chức Trung ương làm đầu mối với các cơ quan nhà nước do Bộ Nội vụ làm đầu mối.
Bộ Nội vụ chủ trì sửa đổi hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi và hướng dẫn việc sửa đổi các quy định, thủ tục liên quan đến thẩm định, giao biên chế hằng năm gắn với việc cập nhật cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức; các quy định về quản lý, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thi đua, khen thưởng, luân chuyển, bổ nhiệm, cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm khai thác hiệu quả dữ liệu từ cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức; sửa đổi, bổ sung tiêu chí thành phần liên quan đến việc xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức vào bộ chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Chung tay xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức
Thủ tướng yêu cầu, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức phải phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quá trình xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; ngoài việc phục vụ công tác thống kê, báo cáo, hoạch định chính sách, còn phải gắn với công tác quản lý điều hành, giảm thiểu các quy trình, thủ tục liên quan đến công tác cán bộ như: Kê khai, bổ sung sơ yếu lý lịch và tài sản, thu nhập, thẩm tra, xác minh..., góp phần đổi mới quan trọng công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới.
Đặc biệt, cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức phải được từng cán bộ, công chức, viên chức cũng như lãnh đạo các cơ quan nhà nước quan tâm, chung tay xây dựng và cập nhật thường xuyên, liên tục, được quản lý theo quy định, liên thông trong toàn hệ thống chính trị. Việc phân công, phân cấp khi thực hiện quản lý, khai thác, duy trì, sử dụng phải tuân theo quy định thống nhất từ trung ương đến địa phương…