Sử dụng năng lượng tiết kiệm - chìa khóa để làng nghề phát triển bền vững
Kinh tế - Ngày đăng : 18:40, 26/06/2020
Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có hơn 5.400 làng nghề, thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia. Các làng nghề đã đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Tuy nhiên, do sản xuất tại làng nghề chủ yếu là quy mô hộ gia đình, sử dụng trang thiết bị lạc hậu nên vừa tiêu tốn năng lượng, vừa gây ô nhiễm môi trường.
Tham luận tại hội nghị, đại diện một số làng nghề, các nhà khoa học, nhà quản lý đã đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm gia tăng lợi nhuận do tiết kiệm chi phí năng lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Hà Văn Lâm, Trưởng ban đại diện nhân dân làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) cho biết, nhờ chuyển đổi công nghệ từ lò than truyền thống sang lò gas để nung gốm giúp các hộ sản xuất tăng lợi nhuận lên 2-3 lần so với công nghệ cũ.
Trong khi đó, đối với làng nghề bún Phú Đô (quận Nam Từ Liêm), được sự hỗ trợ của các nhà khoa học, làng đã xây dựng 3 mô hình tiết kiệm năng lượng gồm: Sử dụng lò than cải tiến; sử dụng nồi hơi và sử dụng dây chuyền khép kín từ máy xay, nhào bột, làm bún... bằng điện, giúp bún ngon hơn và sản lượng tăng.
Để tiết kiệm năng lượng, nhiều tham luận tại hội thảo cũng đưa ra các giải pháp như: Thay đổi công nghệ sản xuất, thực hiện việc kiểm toán năng lượng, quản lý năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng điện vào giờ thấp điểm, tăng sử dụng ánh sáng tự nhiên cho nhà xưởng, sử dụng năng lượng mặt trời...
Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình tiết kiệm năng lượng còn nhiều khó khăn, rất cần Nhà nước có cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn để áp dụng công nghệ mới vào sản xuất; cơ quan chức năng và các nhà khoa học hỗ trợ các làng nghề cải tiến máy móc, trang thiết bị và kiểm toán năng lượng...
Ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành các tiêu chí về sử dụng năng lượng hiệu quả trong sản xuất; triển khai dự án “Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam”.
Có 63 dự án tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên cả nước được hỗ trợ, trong đó có các hộ sản xuất ở làng gốm Bát Tràng, giúp người dân sản xuất bền vững và nâng cao thu nhập.