Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: Người khởi xướng công cuộc đổi mới
Chính trị - Ngày đăng : 07:27, 26/06/2020
Nhân dịp kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915-1/7/2020), sáng 25-6, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: "Đồng chí Nguyễn Văn Linh với công cuộc đổi mới ở Việt Nam".
Học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Minh Trưởng, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, cho biết đồng chí Nguyễn Văn Linh - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ 1986-1991, là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc (tức Mười Cúc), xuất thân trong một gia đình yêu nước ở xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn (nay là huyện Yên Mỹ), tỉnh Hưng Yên.
Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Mới 15 tuổi, đồng chí đã bị thực dân Pháp kết án tù chung thân, hai lần bị địch bắt và đày ra Côn Đảo.
Hơn 10 năm bị địch giam cầm tại địa ngục trần gian - Côn Đảo, dù bị kẻ thù dùng mọi cực hình, đòn roi tra tấn, nhưng đồng chí vẫn nêu cao tinh thần bất khuất, giữ vững khí tiết của người cách mạng, biến nhà tù thực dân, đế quốc thành trường học cộng sản.
Trong suốt cuộc đời gần 70 năm hoạt động cách mạng phong phú và sôi nổi, ở khắp mọi miền của đất nước, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã được Đảng và Nhà nước giao phó nhiều trọng trách. Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng hết lòng tận tụy vì Đảng, vì dân, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đồng chí đã trực tiếp cùng đồng bào miền Nam đi suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Nguyễn Văn Linh hoạt động ở Nam Bộ và dành hơn một nửa cuộc đời hoạt động cách mạng của mình gắn bó máu thịt với miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, kháng chiến chống thực dân, đế quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đồng chí đã cùng với Trung ương có những đóng góp to lớn và quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước. Ngay từ khi làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nắm bắt thực tiễn, tổng kết kinh nghiệm của một số cơ sở có cách làm sáng tạo để đề xuất với Trung ương nhiều chủ trương mới trong phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đến khi giữ trọng trách là Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ đổi mới, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam; lãnh đạo, chỉ đạo nhạy bén, chủ động, khôn khéo, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những khó khăn, có lúc hiểm nghèo, tiến hành công cuộc đổi mới thu được những kết quả bước đầu rất quan trọng, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, từng bước cải thiện đời sống nhân dân.
Qua đó, đã tạo dựng được lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới, đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa; đồng thời chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng ta vạch ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vào năm 1991.
Góp phần to lớn hình thành đường lối đổi mới của Đảng
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Minh Trưởng, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, trải qua những chặng đường đấu tranh cách mạng khó khăn, gian khổ, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn tỏ rõ phẩm chất trung kiên, bản lĩnh sáng tạo, nhạy bén với cái mới; luôn tìm tòi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của sự nghiệp cách mạng.
Đảm nhiệm cương vị Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh vào những năm đầu khi miền Nam vừa được giải phóng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể lãnh đạo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh của thành phố; từng bước nâng cao đời sống nhân dân, tập trung lãnh đạo, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa nhằm xây dựng quan hệ sản xuất mới, tạo điều kiện và mở đường cho sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Với trọng trách là Trưởng ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã trực tiếp đóng góp ý kiến, xin chủ trương, chính sách liên quan đến công tác cải tạo, chỉ đạo thực hiện cải tạo công thương nghiệp khu vực thành phố Hồ Chí Minh.
Trước những đòi hỏi của thực tiễn, yêu cầu phải tháo gỡ những ách tắc vì cơ chế đang kìm hãm sự phát triển kinh tế đất nước, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phát hiện nhân tố mới, tìm những bước đi thích hợp để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đồng chí luôn động viên mọi nguồn lực, tìm tòi sáng tạo, đi đầu trong việc xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp trong quản lý kinh tế ở thành phố Hồ Chí Minh, làm cho sản xuất bung ra đúng hướng, kiên trì đấu tranh dựa vào thực tiễn sinh động, dựa vào nhân dân, coi lợi ích của nhân dân là tối thượng, lấy sự phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống nhân dân là tiêu chuẩn kiểm nghiệm cho sự đúng đắn của chủ trương, chính sách.
Kết quả, chỉ sau một thời gian, nền kinh tế thành phố Hồ Chí Minh đã có bước chuyển biến rõ rệt, mang tính đột phá. Hàng chục nghìn cơ sở sản xuất nhỏ và sản xuất kinh doanh của hộ gia đình bị đình trệ trước đó đã được khôi phục và hoạt động trở lại.
Những thành tựu về sự năng động, sáng tạo của thành phố Hồ Chí Minh trong phát triển sản xuất kinh doanh đã góp phần đưa thành phố sớm trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.
Những thành công bước đầu trong tìm tòi, đổi mới sáng tạo đó đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng một số giám đốc tiêu biểu của thành phố Hồ Chí Minh đã báo cáo, đề xuất với Trung ương chủ trương, chính sách mới, sát hợp với thực trạng kinh tế - xã hội đất nước; cung cấp những luận cứ khoa học, thực tiễn sinh động trong công việc, từ đó xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng thể hiện trong văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ VI.
Trên cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1986-1991, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân triển khai thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước.
Đồng chí đã thể hiện rõ vai trò đầu tàu, bản lĩnh vững vàng, lập trường kiên định và tinh thần đổi mới sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn.
Đó là những quyết sách nhằm ổn định kinh tế để phát triển và ổn định tình hình mọi mặt của đất nước, từng bước tháo gỡ khó khăn; thực hiện ba chương trình kinh tế lớn: Lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
Cùng với đó, đổi mới khâu lưu thông, phân phối, tích cực vận động kinh tế, từng bước phá vỡ thế bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch; đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thể hiện qua việc xác định, Đảng phải đổi mới nhiều mặt như tư duy kinh tế, đổi mới về tổ chức, đội ngũ cán bộ, phong cách lãnh đạo, mọi mặt công tác.
Khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, với niềm tin vững chắc vào tiền đồ chủ nghĩa xã hội, kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chỉ đạo soạn thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định, phát triển kinh tế đến năm 2000, được Đại hội Đảng lần thứ VII năm 1991 thông qua.
Đánh giá công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta nêu rõ: "Suốt nhiệm kỳ Đại hội VI, với cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể lãnh đạo nhạy bén, chủ động, sáng tạo, khôn khéo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo của thời kỳ xảy ra những biến động to lớn trên thế giới; đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thu được thành tựu rất quan trọng, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, cải thiện đời sống nhân dân, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế".
Những việc cần làm ngay
Nhắc đến Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, không thể không nhắc tới những bài viết về tư tưởng Đổi mới, những bài viết đầy tính chiến đấu, chống tiêu cực ở chuyên mục "Những việc cần làm ngay" với bút danh "N.V.L" đăng trên báo Nhân Dân từ số đầu tiên ngày 25-5-1987 đến số cuối là ngày 29-9-1990.
Theo Tiến sĩ Lê Thị Thu Hồng (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng), "Những việc cần làm ngay" của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã trở thành chuyên mục lớn trên báo Nhân Dân.
Với lối viết ngắn gọn, súc tích, sắc sảo, đi thẳng vào các vấn đề nóng bỏng, 27 bài viết của tác giả N.V.L chọn các vấn đề, hiện tượng mang tính thời sự, phê phán các hành vi quan liêu, vô trách nhiệm, lãng phí, tham nhũng... đang tồn tại trong xã hội.
Các bài viết đã làm cho đảng viên, nhân dân cả nước thêm niềm tin vào sự nghiệp đổi mới và vai trò lãnh đạo của Đảng, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân quyết tâm thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, góp phần xoay chuyển tình thế, vững bước trên con đường phát triển.
Điển hình như mục "Những việc cần làm ngay" đăng ngày 25-5-1987 ngắn gọn, chưa tới 400 chữ nhưng đã đi thẳng vào vấn đề nóng bỏng khi đó là "Giá cả tăng vọt".
Bài viết ra đời trong hoàn cảnh cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VI về ổn định giá cả mới được hơn 4 tháng. Hay như những bài viết về việc lãng phí tài sản nhà nước khi mua sắm xe công, vấn đề hàng ngoại lấn chiếm hàng nội, việc buôn bán hàng nhái, hàng giả...
Theo đồng chí Nguyễn Văn Linh, các bài viết trên tạo bầu không khí dân chủ, công khai trong xã hội, lôi cuốn quần chúng nhân dân tham gia phong trào một cách tích cực để thực hiện tự phê bình và phê bình; xử lý nghiêm những vi phạm, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu, những bài báo của Tổng Bí thư không chỉ tiên phong chống lại những biểu hiện bảo thủ, trì trệ, giáo điều, chủ quan, tha hóa, biến chất trong Đảng; nêu cao bản lĩnh của người lãnh đạo chủ chốt; thấy rõ sức mạnh của truyền thông báo chí... mà "Những việc cần làm ngay" ấy, đến nay còn nóng bỏng tính thời sự, không chỉ có giá trị trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình đổi mới xây dựng đất nước.
Những bài học sâu sắc từ cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - người con ưu tú của quê hương Hưng Yên nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung, luôn còn nguyên giá trị định hướng và động viên cán bộ, đảng viên, quân dân cả nước trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.