Wajima - vùng quê yên bình của Nhật Bản
Du lịch - Ngày đăng : 05:25, 27/06/2020
Chợ sáng Wajima
Cuộc sống hiện đại đem lại cho con người nhiều tiện ích hơn nên siêu thị, các cửa hàng tiện lợi đã trở thành nơi mua sắm của hầu hết người Nhật. Bởi vậy mô hình chợ - nơi mỗi gian hàng bán một sản phẩm riêng, người mua người bán có thể mặc cả, trò chuyện cùng nhau không còn được thấy nhiều ở Nhật Bản.
Thế nhưng, đến với Wajima, một thành phố nhỏ thuộc tỉnh Ishikawa, chúng ta vẫn có thể có được trải nghiệm về việc đi chợ ở Nhật Bản bằng việc tham quan chợ sáng Wajima - một khu chợ có lịch sử trên 1.000 năm. Chợ sáng Wajima, như tên gọi của nó, chỉ họp từ 8h đến 12h trưa. Tại đây, người ta bày bán sản vật của địa phương như hải sản tươi sống (Wajima nằm ở bờ biển phía Tây của Nhật Bản, thời tiết tương đối lạnh vào mùa đông nên hải sản ở đây khá ngon và đa dạng), đồ khô như mực khô, tôm khô, đồ thủ công (chủ yếu là các sản phẩm sơn mài)...
Trong chợ, các quầy hàng được dựng lên chỉ với một chiếc bàn để đặt sản phẩm và một tấm bạt hoặc ô để che nắng mưa cùng vài tấm biển ghi tên và giá sản phẩm. Những người bán hàng khệ nệ bê các khay cá, mực đầy ắp bày trong gian hàng của mình, miệng vẫn tươi cười mời chào khách đi ngang qua. Quả thực, thật khó cho người mua để lựa chọn và quyết định mua gì bởi tất cả đều rất tươi ngon, chủng loại vô cùng phong phú.
Ngoài hải sản và hàng sơn mài, trong chợ còn có những gian hàng của vài bà lão, tuổi tầm ngoài 80, lưng đã còng, nói một thứ tiếng địa phương khá lạ so với tiếng Nhật phổ thông. Gọi là gian hàng nhưng nó được làm rất đơn giản, chỉ là chiếc hộp cũ được kê xuống lòng đường rồi đặt lên đó vài mớ rau, vài hộp rau củ muối, móc chìa khóa tết bằng rơm... Tất cả đều tự trồng, tự làm nên giá cả rẻ hơn rất nhiều so với những sản phẩm được đóng gói đẹp đẽ bày trong siêu thị ở thành phố. Tôi ngồi xuống và thử trò chuyện với một bà cụ bán hàng. Bà sinh ra và lớn lên ở vùng này, năm nay đã 91 tuổi. Giờ bà sống một mình vì con cái xuống thành phố làm việc hết, một tuần bà ra chợ bán hàng khoảng 2 - 3 lần, chủ yếu là gặp gỡ mọi người cho vui.
Cánh đồng lúa Shiroyone Senmaida
Sau khi tham quan chợ sáng Wajima, ghé qua cánh đồng lúa Shiroyone Senmaida cách đó không xa sẽ là một lộ trình hợp lý.
Cánh đồng lúa này là niềm tự hào của Wajima, bởi đây là một trong những cánh đồng lúa lớn nhất Nhật Bản, gồm hơn 1.000 đồng lúa lớn nhỏ hình bậc thang. Cũng chính bởi số lượng và hình dạng không đồng đều nên việc chăm sóc không thể sử dụng máy móc mà chỉ có thể bằng bàn tay con người.
Ngoài điểm nổi bật về số lượng, điều làm nên sự độc đáo cho cánh đồng này là vị trí của nó. Khác với những cánh đồng lúa nằm trong vùng đồng bằng, Shiroyone Senmaida nằm ngay cạnh bờ biển nên khi dừng chân tại đây, chúng ta cảm nhận được hương lúa chín thơm hòa quyện cùng mùi mặn nồng của gió biển - thứ mùi vị có một không hai.
Vào một chiều hè, khi tôi đứng từ trên cao nhìn xuống cánh đồng, toàn bộ khung cảnh như một bức tranh với hai mảng màu rõ rệt: Màu vàng của lúa chín và màu xanh dương của nước biển cùng bầu trời. Nán lại thêm một chút đợi mặt trời lặn, bức tranh ấy sẽ chuyển màu đỏ ối bởi ánh mặt trời nhuộm cả mặt biển và cánh đồng trong buổi hoàng hôn.
Ở Shiroyone Senmaida không chỉ có du khách nước ngoài mà còn có rất nhiều người Nhật Bản đến đây như để hòa mình cùng thiên nhiên, để tạm xa khỏi những ồn ào, hối hả của cuộc sống đô thị. Đặc biệt là những bạn trẻ người Nhật đi cùng tôi trong chuyến đi này, muốn tận mắt chứng kiến một cánh đồng lúa của Nhật, xem người Nhật làm nông nghiệp thế nào, bởi tổ tiên của họ cũng là những người nông dân: Trồng lúa đã từng là một trong những nghề chủ đạo tại Nhật Bản.
Đến với Wajima, tôi không khỏi ngạc nhiên trước vẻ mộc mạc, giản dị của con người và cảnh vật, khác với hình ảnh một đất nước phát triển hàng đầu thế giới, những nhân viên công sở lạnh lùng hối hả bước đi trong nhà ga đã được biết qua sách vở và phim ảnh. Và đâu đó ở Wajima, dù xa xôi nhưng tôi lại thấy có nét gì đó rất gần gũi với đất nước mình, gợi nhớ khung cảnh chợ làng hay những thửa ruộng bậc thang ở phía Bắc tổ quốc.
Đặc sắc sơn mài Wajima
Không chỉ có chợ truyền thống, cảnh sắc độc đáo, Wajima còn là địa danh nổi tiếng Nhật Bản với nghệ thuật sơn mài. Đồ sơn mài Wajima là một trong những yếu tố góp phần làm nên vẻ đẹp văn hóa Nhật Bản.
Sơn mài Wajima xuất hiện ở Nhật từ hàng nghìn năm trước, với chất liệu được làm từ mủ cây Urushi, còn gọi là cây sơn. Đồ sơn mài Wajima nổi tiếng bởi vẻ đẹp tinh tế và độ bền của sản phẩm, được nhà nước công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể”.
Để tạo ra một sản phẩm, các nghệ nhân phải trải qua 124 công đoạn chế tác, từ khâu chọn chất liệu gỗ đến khâu tạo hình sản phẩm, trang trí hoa văn..., trong đó, tỉ mỉ nhất là việc sơn đến 70 - 80 lớp, mài và trang trí.
Sản phẩm sơn mài Wajima đa dạng về kỹ thuật, cách trang trí, và được sử dụng với nhiều mục đích như làm đồ gia dụng, tranh treo, đồ trang sức..., nhưng nhiều nhất chính là đồ gia dụng. Những chiếc thố, bát, đĩa... được làm từ sơn mài Wajima thường thấy trong bàn ăn của các gia đình Nhật Bản. Giá sản phẩm sơn mài Wajima khá cao, có những thứ được bán với giá vài nghìn USD.
Tới thành phố Wajima, du khách có thể đến thăm công xưởng sơn mài Kobo Nagaya để trải nghiệm Wajima-nuri - nghề thủ công sơn mài truyền thống của tỉnh Ishikawa. Công xưởng có 5 xưởng nhỏ, tái hiện lại căn nhà tập thể mà các thợ thủ công Wajima-nuri ngày xưa từng sinh sống. Đặc biệt, "Công xưởng trải nghiệm" với chương trình vẽ tranh sơn mài lên đũa rất được yêu thích. "Công xưởng thông tin" trưng bày và giới thiệu các công đoạn sơn mài Wajima-nuri. "Công xưởng nghệ nhân" là nơi du khách tận mắt xem kỹ thuật sơn màu, trang trí bột vàng... của các nghệ nhân Wajima-nuri. Bên cạnh đó còn có quầy bày bán các sản phẩm sơn mài Wajima-nuri cũng như nhà hàng để du khách thưởng thức hải sản Wajima. Xưởng mở cửa miễn phí nhưng có phí nếu bạn đăng ký các chương trình trải nghiệm.
Ngoài ra, du khách có thể đến Bảo tàng mỹ thuật sơn mài Wajima để chiêm ngưỡng sản phẩm sơn mài và các sản phẩm truyền thống Nhật Bản.