Minh chứng về chất lượng cải thiện môi trường kinh doanh
Kinh tế - Ngày đăng : 10:50, 27/06/2020
Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội:
Nỗ lực đáng trân trọng về cải thiện môi trường đầu tư
Thời gian qua, Hà Nội đã có sự nỗ lực đáng trân trọng về cải thiện môi trường kinh doanh, tiếp tục góp mặt trong tốp 10 bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019. Hà Nội giữ vị trí thứ 9 với 68,8 điểm. Trong các chỉ số thành phần, Hà Nội được đanh giá cao về gia nhập thị trường, đạt 7,98 điểm; đào tạo lao động 7,91 điểm; chi phí thời gian 7,18 điểm...
Hà Nội cũng có nhiều giải pháp làm giảm chi phí không chính thức, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và tăng tính minh bạch, năng động của chính quyền.
Đứng ở góc độ tổ chức hiệp hội, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, sở, ngành thành phố. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao việc cải thiện môi trường kinh doanh của Hà Nội. Đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể của Thủ đô đã đồng hành, hỗ trợ rất cụ thể cho cộng đồng doanh nghiệp, để cùng thực hiện “mục tiêu kép” mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
Tại Hội nghị “Hà Nội 2020 – Hợp tác đầu tư và phát triển”, thành phố Hà Nội trao quyết định chủ trương đầu tư cho 116 dự án với tổng vốn đầu tư 339.670 tỷ đồng (tương đương 15,5 tỷ USD), số vốn tăng thêm trên 266.229 tỷ đồng (tương đương 12 tỷ USD). Đây là minh chứng rõ nét nhất về chất lượng cải thiện môi trường kinh doanh của Hà Nội.
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng qua hội nghị lần này, sẽ có hàng trăm dự án cùng nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến với Hà Nội, từ đó khai mở những cơ hội hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh mới cho cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô, chung tay phát triển Thủ đô cùng đất nước trong vận hội mới.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội:
Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận nỗ lực lớn của thành phố
Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của thành phố Hà Nội trong 5 năm trở lại đây. Ngoài việc thu hút đầu tư, điểm quan trọng nhất là Hà Nội đã tập trung lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Qua đó, cả hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố đều vào cuộc, bằng việc tích cực rà soát, kiểm tra, đánh giá, cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn.
Ngoài việc thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Hà Nội hỗ trợ rất hiệu quả doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp làng nghề, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để hình thành chuỗi giá trị liên kết.
Các thủ tục hành chính của Hà Nội đang được cắt giảm, nhưng quan trọng nhất là các chỉ số đầu tư của Hà Nội đã tăng trong thời gian vừa qua. Các tỉnh, thành phố đang đẩy mạnh kết nối với Hà Nội, đưa Hà Nội trở thành trung tâm giao thương, có tính chất cầu nối, lan tỏa.
Thông qua hội nghị này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa kỳ vọng thành phố tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp làng nghề, doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị để trở thành những doanh nghiệp phụ trợ của nhà đầu tư nước ngoài.
Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam:
Tăng cường hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp
Hà Nội đã làm được rất nhiều việc để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, trước những khó khăn, thách thức mới, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn thành phố tiếp tục tăng cường sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho cộng đồng doanh nghiệp.
Trước hết là thông tin minh bạch, sát thực, hỗ trợ doanh nghiệp có những quyết định lựa chọn đầu tư đúng đắn. Bên cạnh đó, hạ tầng, đất đai rất cần thiết với doanh nghiệp, những khó khăn về giải phóng mặt bằng, thủ tục cần được tiếp tục cải thiện.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần được hỗ trợ xây dựng sự kết nối giữa sản xuất với phân phối, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính… Các chương trình hỗ trợ cần được thông tin đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh… Làm được những điều đó, thành phố sẽ thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Lưu Hải Minh, Chủ tịch Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải (doanh nghiệp về khoa học công nghệ Nano):
Chung tiếng nói để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Là doanh nghiệp về khoa học công nghệ, vì vậy, chúng tôi mong muốn Việt Nam trở thành một điểm đến của khoa học công nghệ thế giới. Tôi kiến nghị có chính sách tài trợ cho các dự án khoa học công nghệ của Thủ đô; tạo lập môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp tư nhân về vốn, lãi suất tín dụng, bảo hiểm xã hội…
Các doanh nghiệp có tài sản trí tuệ cần được Nhà nước bảo lãnh vay để giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh. Thông qua hội nghị này, chúng tôi hy vọng doanh nghiệp và lãnh đạo thành phố có thêm nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.