Cần một cách tiếp cận đúng đắn từ đầu
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:56, 28/06/2020
Đây không phải trường hợp tử vong đầu tiên khi tham gia các giải chạy. Vào đầu năm 2019, một vận động viên trẻ cũng ở thành phố Hồ Chí Minh đã tử vong khi mới hoàn thành 18/42km cần vượt qua để hoàn thành nội dung thi đấu trong khuôn khổ Giải Marathon HCMC 2019.
Điều đáng nói là cả hai giải chạy trên đều đã qua nhiều lần tổ chức: Ultra Trail Dalat 2020 là lần tổ chức thứ tư của giải này và Marathon HCMC có lần tổ chức thứ sáu vào năm 2019; cả hai đều thu hút hàng ngàn vận động viên ở trong và ngoài nước đăng ký tham dự, chứng tỏ sức hút, uy tín và kinh nghiệm tổ chức ở mức nhất định.
Bởi thế, những gì đã xảy ra, đặc biệt là thiệt hại về người, cho thấy không thể chủ quan trong công tác quản lý và tổ chức giải, nhất là khi số giải chạy có yếu tố mạo hiểm ngày càng được tổ chức nhiều hơn nhằm đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm của nhiều người. Ở đây, vấn đề an toàn được đặt ra không nhằm chỉ trích các ban tổ chức, mà là nêu bài học kinh nghiệm xương máu để thay đổi cách ứng xử đối với một loại hình giải đấu thể thao cụ thể theo hướng chuyên nghiệp, bài bản cả về phương diện tổ chức và phía tham gia thi đấu.
Với giải Marathon quốc tế Ultra Trail Dalat 2020, cần phải nhìn thẳng vào sự thật rằng nhà tổ chức và cả vận động viên đã không lường hết sự nguy hiểm của mưa lũ dù đã có cảnh báo về điều này từ cơ quan dự báo khí tượng và thủy văn. Ở giải này, các vận động viên tham gia cự ly dài xuất phát vào khoảng thời gian đặc biệt: Với cự ly 70km là từ sáng sớm và người dự cự ly 100km thậm chí phải chạy xuyên đêm. Những đôi chân mỏi mệt đã phải vượt suối trong điều kiện nước lũ đổ về nhanh mà nếu thiếu may mắn, số nạn nhân có thể không phải chỉ một.
Giải Marathon HCMC 2019 cho bài học khác, liên quan tới yêu cầu về sức khỏe và quá trình luyện tập chuẩn bị cần có đối với người tham dự các cự ly dài. Cần phải đưa ra lời cảnh báo đối với những người đăng ký dự thi chạy marathon một cách tùy hứng, không lượng sức mình…
Các cuộc thi chạy sẽ được tổ chức ngày một nhiều hơn. Năm nay, chỉ tính riêng khoảng thời gian dịch Covid-19 hoành hành đã có hơn một chục giải chạy phải hoãn, hủy hoặc dời lịch tổ chức - trong đó có giải Ultra Trail Dalat 2020. Sự “nở rộ” phong trào thi chạy bộ đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý, trình độ tổ chức và tính chuyên nghiệp của cả hai phía.
Các giải đấu nhất thiết phải có sự tham gia ý kiến chuyên môn của ngành Thể dục thể thao; có đội ngũ tình nguyện viên, bộ phận y tế đủ để chăm sóc sức khỏe, kịp thời hướng dẫn vận động viên về lộ trình, cảnh báo khi có tình huống bất ngờ. Người dự giải cần lượng sức để đăng ký nội dung thi đấu phù hợp, có đủ thời gian luyện tập và chế độ dinh dưỡng hợp lý để bảo đảm yêu cầu về sức khỏe, kỹ thuật, sức bền thay vì dự giải chỉ vì cảm hứng bất chợt, vì ham vui…
Có thể quan sát công tác tổ chức giải và sự tập luyện của các vận động viên tham gia Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng - Vì hòa bình, Giải việt dã Báo Tiền Phong… để thấy được tính chuyên nghiệp, sự công phu, khả năng phối hợp hiệu quả giữa các bộ phận tham gia công tác tổ chức thể hiện như thế nào.
Nếu không kịp thời rút kinh nghiệm để có cách tiếp cận đúng đắn từ đầu trong việc tổ chức các giải chạy, dần hình thành “văn hóa chạy”, loại bỏ yếu tố mang tính tự phát, chúng ta có thể sẽ phải tiếp tục chứng kiến cảnh vận động viên lạc đường trong điều kiện nguy hiểm, kiệt sức mà không được hỗ trợ về y tế kịp thời, thậm chí là có thêm người thiệt mạng. Nếu điều đó còn xảy ra thì vẻ đẹp, ý nghĩa của các giải chạy không còn nguyên vẹn.