Giải pháp phục hồi sản xuất

Kinh tế - Ngày đăng : 06:36, 28/06/2020

(HNM) - Do tác động của dịch Covid-19, tình hình kinh tế diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong bối cảnh đó, việc Hà Nội nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là giải pháp quan trọng, cơ hội để phục hồi nhanh và phát triển nền kinh tế.

Khách hàng chọn lựa sản phẩm trong lễ khai mạc “Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội năm 2020”.

Kích cầu nội địa - nhiệm vụ trọng tâm

Những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến sản xuất, kinh doanh; xuất khẩu bị đình trệ… Trong bối cảnh đó, thị trường nội địa và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là giải pháp quan trọng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, ngay từ đầu tháng 5-2020, Sở đã chủ động triển khai nhiều chương trình kích cầu nội địa thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước. Ngay sau hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2020, các hoạt động như: Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội, tuần hàng Việt thành phố Hà Nội, chương trình khuyến mại tập trung,… liên tục được triển khai trong tháng 5, 6 và tiếp tục kéo dài đến cuối năm.

Các sự kiện trên đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp cũng như lượng lớn người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm. Tham gia “Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội năm 2020” vừa được tổ chức, anh Minh Kha, Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Tiến (xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) cho biết: “Năm nay, quả vải u trứng đắt hàng, giá 100.000 đồng/kg, được nhiều khách Hà Nội yêu thích tìm mua”. Còn chị Nguyễn Thu Hà, nhân viên quầy hàng nông sản Sơn La chia sẻ: "Trong ngày khai mạc sự kiện (ngày 30-5), quầy hàng chỉ chuẩn bị khoảng 50kg xoài để giới thiệu, nhưng do nhiều người mua nên chúng tôi phải vận chuyển tiếp từ Sơn La về Hà Nội".

Giám đốc điều hành marketing và kinh doanh nội địa Vinamilk Phan Minh Tiên nhận xét: "Việc bám sát thị trường nội địa đem đến sự tăng trưởng ổn định cho các doanh nghiệp. Thực tế, trong lúc dịch bệnh phức tạp nhất, doanh thu của Vinamilk vẫn tăng trưởng 7,3%, trong đó kinh doanh nội địa tăng trưởng 7,9%".

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Đồng Kỵ (tỉnh Bắc Ninh) Vũ Quốc Vương, thị trường nội địa có độ ổn định và sức chống chịu đối với những tác động của dịch bệnh tốt hơn nhiều so với thị trường xuất khẩu. Với dân số gần 100 triệu người và tầng lớp trung lưu đông đảo, quy mô của thị trường nội địa không hề nhỏ.

“Rõ ràng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm kích cầu thị trường nội địa là bệ đỡ giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Chất lượng sản phẩm - yếu tố cốt lõi

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết: “Nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” góp phần phục hồi nhanh và thúc đẩy nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 phát triển là vấn đề được Bộ Chính trị, Chính phủ, Ban Chỉ đạo trung ương cuộc vận động cùng các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm”.

Có thể thấy, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn nếu tin tưởng sản phẩm mang lại giá trị và lợi ích. Vì vậy, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng cho rằng, để nâng cao chất lượng cuộc vận động, hàng Việt Nam cần đi theo hướng có giá cả hợp lý nhưng chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần phải xử lý nghiêm tình trạng hàng hóa nước ngoài làm giả nhãn hiệu Việt Nam.

Cũng theo ông Hoàng Quang Phòng, điều cốt yếu là doanh nghiệp trong nước phải tạo ra sản phẩm đủ sức chinh phục và giành được sự tự hào của người Việt. Từ đó,  nâng tỷ lệ hàng Việt Nam trên hệ thống phân phối lớn đạt 70%.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên nhận định, để người dân, tổ chức từ “ưu tiên” đến “tự hào” dùng hàng Việt Nam cần sự nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp. Song, vẫn còn doanh nghiệp bán rẻ thương hiệu, hạ chất lượng sản phẩm để tăng lợi nhuận. Vì vậy, rất cần sự chung tay của cả xã hội để cùng cơ quan chức năng chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là giải pháp huy động nội lực, đưa nền kinh tế phát triển. Vì thế, việc tiếp tục đổi mới cuộc vận động không chỉ là khơi dậy niềm tự hào dân tộc, cùng vượt qua thử thách, mà qua đó còn giúp doanh nghiệp tạo thêm nhiều việc làm, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, sẵn sàng cạnh tranh khi các hiệp định thương mại thế hệ mới có hiệu lực.

Thanh Hiền