Hướng đi đúng và hiệu quả
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:09, 29/06/2020
Trên thực tế, ngay sau khi Việt Nam thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, những hoạt động kích cầu du lịch nội địa liên tiếp được triển khai và trong đó hàng không được ví như "cánh tay" nối dài của du lịch. Từ sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên, chỉ trong 1 tháng, từ ngày 19-5 đến ngày 18-6, các hãng hàng không của Việt Nam đã thực hiện tổng cộng 18.623 chuyến bay, tăng 116% so với tháng 4-2020. Đồng thời, để thực hiện hiệu quả hơn nữa chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Công ty cổ phần (Vietnam Airlines) đã mở thêm nhiều chuyến bay mới kết nối với những địa phương có địa điểm du lịch hút khách. Hay ngay tại chương trình "Quảng bá điểm đến văn hóa - du lịch Hà Nội năm 2020" (vừa diễn ra từ ngày 26 đến 28-6, tại nhà Bát Giác - khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ) nhiều hãng hàng không của Việt Nam cũng tung ra những vé bay giá rẻ để thu hút khách du lịch nội địa...
Việc hai ngành ký kết nhiều chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch đã tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ. Điều này đã tạo sự phát triển không chỉ riêng cho ngành Du lịch và Hàng không, mà còn là đòn bẩy kích thích kinh tế - xã hội các địa phương, đất nước phát triển. Để tạo thêm sức bật cho nền kinh tế thời gian tới, hai bên cần nhiều hơn nữa những nội dung hợp tác mang tầm chiến lược.
Trước mắt, hai ngành cần tiếp tục cùng nhau xây dựng kịch bản, chương trình phát triển du lịch cho từng giai đoạn, trong từng bối cảnh theo diễn biến của dịch Covid-19. Trong đó, cần rõ trách nhiệm từng bên, gắn với chất lượng dịch vụ đi kèm. Làm sao để sản phẩm du lịch dù kích cầu, giảm giá nhưng vẫn phải đạt chất lượng, giữ được uy tín. Từ đó, ngày càng khẳng định được thương hiệu, đồng thời giữ vững và tăng trưởng khách nội địa.
Dịch Covid-19 được Việt Nam kiểm soát tốt cho thấy, du lịch nội địa vẫn còn nhiều dư địa phát triển và hai ngành cần khai thác sâu hơn thị trường này. Theo đó, hai ngành cần có chương trình hợp tác, tiết kiệm chi phí để hạ giá vé máy bay, giảm giá tour trọn gói. Bên cạnh đó, cần đa dạng các gói du lịch để khai thác được nhiều phân khúc khách hàng khác nhau.
Song, để thị trường du lịch nội địa cũng như ngành Hàng không phát triển bền vững, nên có sự kết nối đồng bộ hơn nữa giữa các địa phương điểm đến, hàng không, lữ hành, lưu trú, dịch vụ vui chơi giải trí. Điều này sẽ tăng tính đặc sắc cho các chương trình kích cầu du lịch nội địa, từ đó tạo sự cộng hưởng, lan tỏa, đáp ứng nhu cầu du khách.
Là quốc gia được truyền thông quốc tế liên tục xếp vào danh sách những điểm đến hấp dẫn, an toàn sau dịch Covid-19, vì thế, ngay từ lúc này, hai ngành cũng cần xây dựng các phương án phù hợp để không bỏ lỡ cơ hội mở rộng thị trường, thu hút khách du lịch quốc tế khi dịch Covid-19 được khống chế. Cùng với đó, cả hai ngành phải có kế hoạch duy trì các biện pháp an toàn dịch bệnh nói chung và dịch Covid-19 nói riêng ở mọi thời điểm...
Mối quan hệ giữa Hàng không và Du lịch được gắn kết bền chặt, là hướng đi đúng và hiệu quả với hai ngành quan trọng này cả trước mắt cũng như lâu dài.