Nga trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp: Kỳ vọng tạo ra thay đổi then chốt
Thế giới - Ngày đăng : 06:37, 29/06/2020
Tháng 3-2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức ký dự luật sửa đổi Hiến pháp sau khi các thay đổi được cả hai viện Quốc hội Nga là Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện), cũng như hội đồng lập pháp của tất cả địa phương thông qua. Tuy nhiên, cuộc trưng cầu dân ý có ý nghĩa lịch sử về sửa đổi Hiến pháp của xứ sở Bạch dương, dự kiến diễn ra vào ngày 22-4, đã phải hoãn lại do sự bùng phát bất ngờ của đại dịch Covid-19 tại nước này cũng như trên toàn thế giới.
Sự kiện trọng đại này được ấn định lại vào ngày 1-7, song các địa điểm bỏ phiếu trên toàn nước Nga đã mở cửa trước 1 tuần nhằm tránh tình trạng tụ tập đông người trong ngày bỏ phiếu chính, phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh. Bộ Lao động Nga cũng cho phép công dân nghỉ làm việc mà vẫn hưởng lương để tham gia bỏ phiếu.
Điểm đáng chú ý nhất trong Hiến pháp sửa đổi là về nhiệm kỳ của Tổng thống. Dù quy định một cá nhân không thể nắm giữ vị trí Tổng thống nhiều hơn 2 nhiệm kỳ, không phân biệt liên tục hay không, song điểm mới ở đây là số nhiệm kỳ của mọi cá nhân sẽ được tính lại từ đầu. Như vậy, khi Hiến pháp này được người dân Nga ủng hộ, Tổng thống V.Putin sẽ có cơ hội tiếp tục ở lại Điện Kremlin thêm tối đa 2 nhiệm kỳ nữa đến năm 2036 nếu ông quyết tâm tham gia tranh cử và nhận được sự tín nhiệm của cử tri. Nhà lãnh đạo 67 tuổi đã 4 lần giữ trọng trách Tổng thống của nước Nga, gồm 2 nhiệm kỳ 4 năm (2000-2008) và 2 nhiệm kỳ 6 năm (2012-2024). Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình quốc gia hôm 21-6, chính trị gia này không loại trừ khả năng sẽ tái tranh cử nếu được Hiến pháp cho phép.
Bên cạnh sửa đổi quan trọng về nhiệm kỳ Tổng thống, các điều khoản của Hiến pháp mới đặt ra những tiêu chuẩn mới về tính hiệu quả của hệ thống hành chính công. Đề xuất sửa đổi bao gồm việc mở rộng quyền lực của Quốc hội như chuyển một số quyền lực từ Tổng thống sang Duma Quốc gia và Tòa án Hiến pháp; ưu tiên Hiến pháp Nga trước các hiệp ước quốc tế. Dự thảo Hiến pháp còn mở rộng nghĩa vụ của Chính phủ trong các vấn đề xã hội; nghiêm cấm việc quan chức Nga nhập quốc tịch nước ngoài; điều chỉnh mức lương tối thiểu, chỉ số lương hưu; củng cố nhiều điều khoản liên quan tới quyền tự do, quyền công dân và quyền con người…
Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev nhận định, việc không có bất kỳ đại biểu nào tại Duma Quốc gia bỏ phiếu phản đối dự luật về sửa đổi Hiến pháp cho thấy tầm quan trọng và sự kịp thời của những sửa đổi mà Tổng thống và Quốc hội đề xuất đối với đạo luật cơ bản của đất nước. Còn ông chủ Điện Kremlin thì khẳng định, việc sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga sẽ chỉ có hiệu lực nếu được người dân ủng hộ. Kêu gọi cử tri tích cực tham gia bỏ phiếu, nhà lãnh đạo này nhấn mạnh, đây là bản Hiến pháp hình thành nên nền tảng đời sống đất nước, cuộc sống của người dân Nga và sẽ xác định những nguyên tắc luật pháp, tư pháp chính trong các mối quan hệ xã hội, quan hệ lao động cũng như các nguyên tắc hợp tác với các đối tác nước ngoài.
Sau khi quá trình bỏ phiếu hoàn tất, nếu dự thảo Hiến pháp nhận được số phiếu ủng hộ quá bán, các sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày kết quả được công bố, qua đó mở ra một sự thay đổi luật cơ bản lớn nhất trong lịch sử hiện đại của xứ sở Bạch dương.