Khu công nghệ cao Hòa Lạc: Phấn đấu thành trung tâm công nghệ của cả nước

Công nghệ - Ngày đăng : 07:05, 30/06/2020

(HNM) - Thời gian qua, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút đầu tư, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đắc Trung, Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc xung quanh việc xây dựng nơi đây thành trung tâm công nghệ của Hà Nội và cả nước.

Nhà máy số 3 của Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, với dây chuyền công nghệ hiện đại, sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

- Trước tiên, xin ông cho biết kết quả của công tác thu hút đầu tư, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thời gian qua?

- Khu công nghệ cao Hòa Lạc hiện đã thu hút được 94 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 89.300 tỷ đồng, trong đó có 52 dự án đang hoạt động. Nhiều dự án của các tập đoàn hàng đầu trong và ngoài nước đã có mặt tại đây, như: Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Tập đoàn Nidec và Tập đoàn Nissan Techno (Nhật Bản), Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) và các tập đoàn: Viettel, VNPT, Vingroup, FPT…

Tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc hiện có gần 9.000 học sinh, sinh viên và khoảng 13.000 người lao động đang học tập, làm việc. Khu đã hình thành mạng lưới một số tổ chức nghiên cứu và triển khai (R&D) trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm; công nghệ sinh học, trang thiết bị y tế, công nghệ cơ khí chính xác, công nghệ tự động hóa… Nhiều sản phẩm công nghệ cao, như công nghệ 4G, 5G, rada cảnh giới biển, thiết bị y tế kỹ thuật số, cấu kiện động cơ máy bay, các giải pháp phần mềm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp lớn trên nền tảng Akaminds IOT, Akabot, điện thoại thông minh… đã được sản xuất tại đây.

Khu cũng đang hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, triển khai xây dựng nền tảng dữ liệu não người Việt tại Hệ tri thức Việt số hóa… Hy vọng, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được đặt tại đây sẽ thu hút các nguồn lực để tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho Việt Nam trong thời gian tới.

- Vậy, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đón nhận nguồn đầu tư như thế nào, thưa ông?

- Những dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phải đáp ứng các tiêu chí đối với dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao, được quy định tại các văn bản pháp luật của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ… Trong quá trình lựa chọn các nhà đầu tư, chúng tôi đặt ra định hướng “3 cao, 3 thấp”. Cụ thể, 3 cao: Công nghệ cao, vốn đầu tư cao và mang lại giá trị gia tăng cao; còn 3 thấp: Ảnh hưởng đến môi trường thấp, nhu cầu sử dụng lao động thấp và nhu cầu sử dụng năng lượng, tài nguyên thấp.

- Kết quả đạt được của Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong thời gian gần đây là rất đáng ghi nhận, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Ông có thể cho biết nguyên nhân vì sao và hướng khắc phục như thế nào?

- Có nhiều nguyên nhân khiến Khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển chưa được như mong muốn. Đó là hạ tầng giao thông kết nối còn hạn chế ảnh hưởng đến việc thu hút nhân lực làm việc tại đây. Đặc biệt, việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Đến nay, vẫn còn tới hơn 200ha của khu chưa giải phóng xong mặt bằng.

Hiện tại, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang lựa chọn các dự án phù hợp để thu hút đầu tư vào khu, lấy chuỗi liên kết: Trường đại học, tổ chức nghiên cứu - triển khai, doanh nghiệp dưới sự định hướng và hỗ trợ của Nhà nước làm chủ đạo. Mục tiêu là hình thành được các công nghệ cao mới, các doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ cao để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời cung cấp nguồn nhân lực công nghệ cao cho thị trường.

- Theo ông, làm thế nào để Khu công nghệ cao Hòa Lạc thực sự là nơi khởi nghiệp tốt nhất cho công nghệ cao?

- Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; đơn giản hóa các thủ tục hành chính…, cần đẩy mạnh mối liên kết giữa các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và triển khai, doanh nghiệp, thị trường dưới sự bảo hộ và thúc đẩy của Nhà nước để tạo ra các công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao.

- Vậy những nhiệm vụ trọng tâm mà Khu công nghệ cao Hòa Lạc đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới là gì, thưa ông?

- Trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm mà Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ thực hiện là tập trung hoàn thiện hạ tầng và một số chính sách quan trọng, tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư; đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động của các tổ chức đào tạo, các tổ chức nghiên cứu - triển khai, nhằm hướng đến mục tiêu hình thành một số ngành mũi nhọn của khu. Ngoài ra, Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng sẽ hoàn thiện hơn nữa các dịch vụ tiện ích tại đây.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hằng