Bác đơn của nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen kiện UBND thành phố Hồ Chí Minh
Pháp đình - Ngày đăng : 17:01, 30/06/2020
Trong đơn kiện, nguyên đơn là ông Trần Văn Tạo (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Hoa Sen), bà Bùi Trân Phượng (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen) và ông Đỗ Sỹ Cường (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen) yêu cầu tòa xem xét và tuyên hủy toàn bộ Quyết định 5891 ngày 9-11-2016 của UBND thành phố Hồ Chí Minh về việc công nhận Hội đồng quản trị của Trường Đại học Hoa Sen nhiệm kỳ 2012 - 2017 gồm 7 thành viên.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử nhận định, các quyết định của UBND thành phố được lập trên kết quả của đại hội cổ đông bất thường năm 2014 là hợp pháp, đúng thủ tục.
Theo Hội đồng xét xử, năm 2014, Trường Đại học Hoa Sen bị Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo xử phạt hành chính với lý do thu học phí vượt quá mức cho phép đối với chương trình liên kết đào tạo cử nhân Quản lý khách sạn - nhà hàng. Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đình chỉ tuyển sinh một năm đối với chương trình này.
Hội đồng xét xử cho rằng, đây là căn cứ để nhóm cổ đông nắm 30% vốn điều lệ nhận thấy hội đồng quản trị đương nhiệm có dấu hiệu thất bại trong hoạt động đào tạo và sau đó đã tiến hành mở đại hội cổ đông bất thường.
Về quy trình triệu tập đại hội cổ đông, theo Hội đồng xét xử, nếu Ban kiểm soát của trường không triệu tập cổ đông, thì cổ đông đại diện có quyền thay thế Hội đồng quản trị, thay thế Ban kiểm soát để triệu tập đại hội cổ đông bất thường. Vì Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của Trường Đại học Hoa Sen đều từ chối yêu cầu triệu tập đại hội, nên ngày 2-8-2016, nhóm cổ đông sở hữu trên 30% cổ phần đã tự triệu tập Đại hội cổ đông bất thường là phù hợp quy định pháp luật.
Về các ý kiến đại diện nguyên đơn và luật sư cho rằng, có gian lận trong việc xác lập quyền biểu quyết, tòa nhận định, tỷ lệ cổ đông có quyền biểu quyết hợp pháp theo quy định là trên 65% tổng số cổ phần. Theo biên bản thư ký ghi nhận, ngày diễn ra Đại hội cổ đông bất thường, có 84 người tham dự nắm tổng cộng 70% cổ phần. Từ đó, các quy trình bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm tại đại hội diễn ra đúng thủ tục, thẩm quyền và có căn cứ theo quy định pháp luật.
Về quyết định không công nhận hiệu trưởng đối với bà Bùi Trân Phượng, công nhận hiệu trưởng đối với ông Lưu Tiến Hiệp, Hội đồng xét xử xác định đây là quyết định được 7/7 thành viên Hội đồng quản trị chấp nhận thông qua bỏ phiếu kín. Ông Lưu Tiến Hiệp cũng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đối với chức vụ hiệu trưởng của trường đại học này. Do đó, Hội đồng xét xử thấy không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.