Ngành điện thông tin về quy trình đo chỉ số công tơ

Kinh tế - Ngày đăng : 13:22, 30/06/2020

(HNMO) - Ngày 30-6, trước những phản ánh về công tơ và hóa đơn tiền điện tăng trong những ngày nắng nóng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thông tin về quy trình ghi chỉ số công tơ của ngành điện.

Theo EVN, lịch ghi chỉ số công tơ trong 1 tháng được xác định căn cứ theo hình thức ghi chỉ số (trực tiếp hoặc từ xa), số lượng công tơ, địa bàn quản lý (mức độ khó khăn của từng vùng) và số lượng người ghi chỉ số của mỗi đơn vị điện lực. Trong quá trình ghi chỉ số, nhân viên ghi chỉ số có trách nhiệm phát hiện và báo cáo kịp thời các hiện tượng bất thường hoặc sai sót của hệ thống đo đếm như công tơ hư hỏng, bị tháo mất, bị mất chì niêm phong, tính sai hệ số nhân...

Để kịp thời hạn chế tối đa sai sót trong việc ghi chỉ số tiền điện tăng đột biến như tại Quảng Bình, Quảng Ninh, Nghệ An…, cũng như việc hóa đơn lặp lại nhiều lần như ở Tiền Giang (ngày 29-6), EVN đã bổ sung 2 bước trong quy trình ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện: Thứ nhất, khi sản lượng tăng trưởng quá cao, vượt ngưỡng được thiết lập thì sẽ không cho xác nhận chỉ số để tính hóa đơn và không cho xác nhận kết quả tính để lập hóa đơn. Lãnh đạo đơn vị tổ chức kiểm tra số liệu và ký xác nhận điện tử số liệu trên chức năng của chương trình quản lý khách hàng sau khi kiểm tra.

Thứ hai, thiết lập cảnh báo tự động gửi danh sách các khách hàng tăng/giảm bất thường theo các ngưỡng thiết lập (ví dụ: 3 lần, 4 lần, 10 lần) và tương ứng gửi email, SMS đến các vị trí quản lý của đơn vị từ tổ trưởng, trưởng phòng, phó giám đốc, giám đốc và các phòng, ban đơn vị cấp trên.

Hiện tại, các công tơ điện tử được thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động và thực hiện từ xa. Đối với công tơ cơ khí, được áp dụng việc ghi chỉ số bằng phần mềm trên máy tính bảng có các tính năng cảnh báo vượt sản lượng, phát hiện các số liệu bất thường để nhân viên ghi chỉ số thực hiện kiểm tra, bảo đảm hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót (nếu có) trong công tác ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện.

Đặc biệt, khách hàng sử dụng điện có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ. Lịch ghi chỉ số công tơ được quy định trong hợp đồng mua bán điện và được đơn vị điện lực công khai, bảo đảm khách hàng biết, kiểm tra chỉ số công tơ và sản lượng điện tiêu thụ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong 2 ngày (29, 30-6), Đoàn công tác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN làm Trưởng đoàn, với sự tham gia của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng đã làm việc với Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC).

EVNNPC cho biết, trong tháng 6-2020 (tính đến 24-6), đơn vị đã phát hành hơn 10,2 triệu hóa đơn trên địa bàn 27 tỉnh. Đến hết ngày 20-6, công ty đã kiểm tra hơn 3,5 triệu khách hàng, phát hiện 2.175 khách hàng bị ghi nhầm chỉ số công tơ, công tơ cháy, kẹt… Hầu hết các trường hợp này đã được phát hiện và sửa chỉ số trước khi phát hành hóa đơn.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, chuyên viên Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam đề nghị ngành điện tăng cường công tác quản lý, nhất là đối với công tơ cơ khí cần kiểm tra định kỳ và thay thế đối với công tơ chưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, qua đó giúp giảm thiểu những sai sót không đáng có. 

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN cho hay, từ kỳ hóa đơn tháng 7-2020, tập đoàn yêu cầu 100% công ty điện lực tăng cường công tác giám sát ghi chỉ số tiêu thụ điện của khách hàng có biến động. Tùy theo mức độ biến động, các công ty sẽ phân cấp cho các cấp quản lý giám sát, đối chiếu lại.

Thanh Hải