Hội thảo kết nối giao thương sản phẩm OCOP Hà Nội: Gắn kết sản xuất với tiêu thụ
Nông nghiệp - Ngày đăng : 12:29, 01/07/2020
Để tạo điều kiện cho nhà sản xuất đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, Sở NN&PTNT Hà Nội vừa phối hợp với Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức hội thảo kết nối giao thương sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội lần thứ nhất năm 2020. Hội thảo nhằm bàn tới giải pháp gắn kết sản xuất với nhà bán lẻ trong khâu tiêu thụ, giúp nâng cao giá trị sản phẩm OCOP.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, Hà Nội có 1.350 làng có nghề; hơn 5.000 sản phẩm nông sản được gắn mã truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm bằng tem điện tử thông minh QR code…, là tiềm năng để phát triển OCOP.
Từ lợi thế này, Hà Nội đã tích cực hỗ trợ các chủ thể thực hiện Chương trình OCOP. Qua đánh giá, chấm điểm, đến hết năm 2019, toàn thành phố đã có 301 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao, 4 sao và tiềm năng 5 sao. Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, phát triển được từ 800 đến 1.000 sản phẩm OCOP.
Việc phát triển sản phẩm OCOP có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nếu trước kia, những sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương được sản xuất theo phương thức truyền thống thì khi tham gia vào Chương trình OCOP, những sản phẩm truyền thống này được sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chí chất lượng, được mang thương hiệu cụ thể như: Gạo hữu cơ Đồng Phú, nếp cái hoa vàng Thụy Lâm, sữa bò tươi Phù Đổng, gốm sứ Bát Tràng... Nhờ đó, sản phẩm ngày càng được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
Tuy nhiên, một số chủ thể có sản phẩm OCOP vẫn còn trăn trở về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Công ty cổ phần Thực phẩm sạch Ba Vì có 2 trại chăn nuôi ở 2 xã Tản Lĩnh và Cam Thượng (huyện Ba Vì) với diện tích 3,5ha, quy mô hàng nghìn con lợn, gà mỗi năm. Theo Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm sạch Ba Vì Nguyễn Thanh Vân, mỗi tháng, trang trại giết mổ khoảng 200 con gà và 150 con lợn, vừa cung ứng thịt thương phẩm cho thị trường, vừa chế biến giò, chả… Công ty muốn liên kết với doanh nghiệp để đưa sản phẩm vào siêu thị nhưng chưa biết làm thế nào…
Tương tự, nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ, do thị trường tiêu thụ bấp bênh bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phải cắt giảm sản xuất. Cụ thể, làng nghề xuất khẩu sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín), làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) hiện không có nhiều đơn hàng xuất khẩu mới, rất cần tìm kiếm thị trường trong nước để ổn định sản xuất…
Mới đây, tại hội thảo kết nối giao thương sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội lần thứ nhất năm 2020, nhiều chủ thể tham gia Chương trình OCOP của Hà Nội mong muốn Sở NN&PTNT thành phố và Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tạo điều kiện hơn nữa trong việc kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm OCOP nhằm thúc đẩy sản xuất, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường…
Nhận thức rõ sản phẩm sản xuất ra phải có sự kết nối giao thương mới được thị trường biết đến, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, thời gian tới, Hiệp hội tiếp tục mời thành viên là các siêu thị, chuỗi cửa hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước cùng gặp gỡ các nhà sản xuất sản phẩm OCOP để bàn thảo hoạt động mua/bán sản phẩm. Khi các nhà bán lẻ tiếp xúc trực tiếp với nhà sản xuất để mua/bán sản phẩm thì giảm được chi phí trung gian và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ giá cạnh tranh…
Thực tế, liên kết trong khâu tiêu thụ cũng là nhu cầu của nhiều nhà bán lẻ. Theo Giám đốc Siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội) Khúc Tiến Hà, trên các kệ hàng của Siêu thị BigC đang có khoảng 50 sản phẩm OCOP đến từ các địa phương, rất nhiều nông sản, đặc sản vùng, miền. Tuy vậy, về tổng thể, số lượng các sản phẩm nêu trên rất nhỏ trong số hàng nghìn mặt hàng đang được bày bán tại siêu thị. Các sản phẩm OCOP (trong đó có nhóm nông sản, thực phẩm) khó vào siêu thị do đơn vị cung ứng thiếu hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm… Siêu thị mong muốn được gặp gỡ các nhà sản xuất để cùng liên kết, hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng tiêu chí thị trường…
Hội thảo kết nối giao thương sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội lần thứ nhất năm 2020 diễn ra vừa qua đã mở ra cơ hội để các nhà phân phối trao đổi, gặp gỡ, bàn bạc, tìm hiểu, nghiên cứu sản phẩm và thị trường phù hợp; qua đó, thúc đẩy sự phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, việc tổ chức các chương trình kết nối giao thương mở ra nhiều cơ hội cho việc tiếp cận nguồn cung và tìm kiếm phát triển thị trường; đồng thời mang tới người tiêu dùng thêm nhiều sản phẩm chất lượng tốt. Thời gian tới, Sở NN&PTNT cùng các cơ quan chức năng của Hà Nội tiếp tục tổ chức các chương trình kết nối giao thương nhằm thúc đẩy tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ...