Hà Nội đã huy động được hơn 56.512 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới
Nông nghiệp - Ngày đăng : 15:23, 01/07/2020
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02 chủ trì hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, mặc dù quý I-2020, tăng trưởng âm nhưng đến hết quý II, ngành Nông nghiệp Hà Nội tăng trưởng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất lúa xuân năm 2020 cao hơn năm 2019, ước đạt khoảng 60-61 tạ/ha; đàn trâu, đàn gia cầm tăng; đàn lợn đang đẩy mạnh tái đàn, hiện đã đạt khoảng 1,22 triệu con, bằng 97,5% so với cùng kỳ.
Đối với xây dựng nông thôn mới, đến nay, thành phố có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm. Ngoài ra, thành phố đã thẩm định thị xã Sơn Tây; các huyện: Thạch Thất, Phúc Thọ, Thường Tín và Thanh Oai đủ điều kiện, đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND thành phố xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và các huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Đối với xây dựng nông thôn mới cấp xã, Hà Nội có 355/382 xã (chiếm 92,9%) đạt chuẩn nông thôn mới, 13 xã đã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong số 27 xã còn lại chưa đạt chuẩn nông thôn mới, có 24 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 3 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí.
Trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội đã huy động được 11.795,8 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, nâng tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình từ đầu năm 2016 đến nay là 56.512,8 tỷ đồng.
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhận xét: “Mặc dù gặp nhiều khó khăn song toàn thành phố đã nỗ lực, cố gắng lớn trong thực hiện Chương trình số 02. Quý I-2020, tăng trưởng ngành Nông nghiệp “âm” nhưng đến quý II đã tăng lên 1,61%. Công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được thực hiện tốt. Một số huyện đã xây dựng được các đề án sản xuất nông nghiệp tập trung, hiệu quả cao phù hợp với điều kiện canh tác từng địa phương”.
Trong xây dựng nông thôn mới, số xã đạt chuẩn tăng so với cùng kỳ năm 2019. Tại một số huyện, thu nhập của nông dân rất cao, đạt 55 triệu đồng/người/năm trở lên như: Hoài Đức, Thạch Thất, Đông Anh… Trong đó, hai huyện Gia Lâm và Đông Anh hiện không có hộ nghèo.
Bên cạnh kết quả đã đạt, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế như: Tăng trưởng ngành Nông nghiệp chưa cao. Đối với xây dựng nông thôn mới, thành phố vẫn còn 27 xã chưa hoàn thành. Nhiều tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới còn thiếu bền vững...
Về phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các huyện, thị xã phải khắc phục khó khăn, phát huy kết quả đã đạt để thực hiện các mục tiêu của năm và của cả nhiệm kỳ. Với Chương trình số 02, trong nhiệm kỳ tới, các địa phương phải xác định những nhiệm vụ trọng tâm để đưa vào mục tiêu trong văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện, thị xã một cách căn cơ, bài bản. Đặc biệt, 5 huyện đã được thành phố phê duyệt đề án phát triển từ huyện lên quận phải xây dựng nông thôn mới tiệm cận với phát triển đô thị.
Để tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt đúng kịch bản đề ra ở mức 4,25%, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tập trung chỉ đạo sản xuất vụ mùa, vụ đông, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất… Sở cũng cần tổ chức hội nghị liên kết “3 nhà”, “4 nhà”, giúp nông dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất…
Đối với 6 huyện đang phấn đấu hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu sớm hoàn thiện hồ sơ trình thành phố báo cáo trung ương về đánh giá công nhận huyện nông thôn mới.
Giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sớm tham mưu cho thành phố xây dựng Chương trình về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân trong nhiệm kỳ tới. Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới xong trong quý III-2020. Sở Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ khó khăn cho 4.000 thửa đất chưa được cấp sổ đỏ sau dồn điền đổi thửa. Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính cấp kinh phí cho các xã đăng ký hoàn thành nông thôn mới năm 2020 và có hướng dẫn thủ tục cho các quận hỗ trợ huyện trong xây dựng nông thôn mới.
Riêng về nước sạch nông thôn, Sở Xây dựng chỉ đạo các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án cấp nước sạch; các huyện, thị xã vận động nhân dân sử dụng nước sạch để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng lưu ý các sở, ngành hỗ trợ công tác dạy nghề, nhân cấy nghề, phát triển sản phẩm OCOP để nâng cao đời sống người dân. Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội tổng hợp kiến nghị của các huyện, sau đó báo cáo thành phố để cùng tháo gỡ.