Nhạc sĩ Vũ Tự Lân: Còn sức khỏe thì còn cống hiến
Xã hội - Ngày đăng : 10:18, 02/07/2020
- Nhắc đến ông, công chúng luôn nhớ tới người nghệ sĩ có cống hiến trên nhiều lĩnh vực, vừa là nghệ sĩ biểu diễn, nhạc sĩ, vừa là tiến sĩ khoa học nghệ thuật, người thầy với nhiều công trình nghiên cứu, đồng thời cũng là một nhà báo. Ông có thể chia sẻ về con đường âm nhạc đã đi qua?
- Năm 1950, nhạc sĩ Đỗ Nhuận và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát phụ trách Đoàn văn công Trường Lục quân Việt Nam thấy tôi có giọng hát hay nên điều về đoàn. Ở đó tôi phải làm nhiều việc, vừa hát vừa đánh đàn, đóng kịch, thậm chí có lúc phải đóng những vai giả gái vì trong đoàn rất ít phụ nữ. Đầu năm 1954, tôi về Đoàn văn công Tổng cục Chính trị, tham gia Đội hợp xướng Hòa Bình. Năm 1959, tôi được cử đi học thanh nhạc và chỉ huy hợp xướng tại Nhạc viện Tchaikovsky (Liên Xô cũ). Năm 1964, tôi về Đoàn Ca múa Hải Phòng, phụ trách chỉ huy dàn nhạc và sau này làm trưởng đoàn. Năm 1973, nhạc sĩ Đỗ Nhuận lại đưa tôi về Hội Nhạc sĩ Việt Nam, giao phụ trách công tác đối ngoại, làm công tác báo chí - lý luận âm nhạc... Giờ đã ở tuổi hưu trí nhưng tôi vẫn tiếp tục viết những công trình lý luận về âm nhạc.
- Được biết, ông bắt đầu làm báo từ năm 1974, đã có hàng trăm bài viết, tiểu luận đăng tải trên báo chí, phát trên làn sóng phát thanh, truyền hình cả nước. Điều gì khiến ông say mê với công việc này đến vậy?
- Tôi thành thạo tiếng Anh, Pháp, Nga nên ngay từ khi còn trẻ đã rất thích viết và dịch. Tôi viết báo từ những số đầu tiên của Tạp chí Âm nhạc - Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Giải thưởng Nhà nước mà tôi được nhận năm 2012 là vì có thành tích trong tuyên truyền, phổ biến, giảng dạy về âm nhạc. Ngoài viết báo, tôi còn viết, dịch sách chuyên môn âm nhạc dùng cho các trường âm nhạc, như tác phẩm: Những ảnh hưởng của âm nhạc châu Âu trong ca khúc Việt Nam giai đoạn 1930 - 1950 (NXB Thế giới, 1997), Phương pháp dạy hát và dàn dựng, chỉ huy hát tập thể (viết cùng Lê Hào - NXB Giáo dục, 1997), Câu chuyện giao hưởng (NXB Mỹ thuật và Âm nhạc, 1961), Vai trò giáo dục âm nhạc (NXB Văn hóa, 1974)...
Bên cạnh đó tôi còn tham gia giảng dạy ở nhiều nơi. Lúc đó giáo trình âm nhạc còn rất thiếu nên tôi dịch cuốn Lý thuyết cơ bản âm nhạc (NXB Văn hóa, 1984) - cuốn sách cơ bản của các trường nhạc và bây giờ vẫn còn dùng. Năm 2007, tôi làm cuốn Từ điển Âm nhạc phổ thông Tác giả - Tác phẩm với mục đích để những người không biết về âm nhạc, muốn tìm hiểu cũng có thể học được, cuốn này đã đoạt giải Nhất của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2008...
Hiện tôi đang viết cuốn Mỹ học âm nhạc, dự định in vào năm sau. Cuốn sách hướng dẫn công chúng biết cách thẩm định cái đẹp trong âm nhạc. Cứ cái gì mà đời sống âm nhạc trong nước còn thiếu, đang cần thì tôi nhắm vào làm. Tôi chỉ có một mong muốn, Nhà nước cho mình đi học thì mình phải mang những kiến thức âm nhạc đã thu thập được cung cấp lại cho đông đảo công chúng. Muốn nền âm nhạc nước nhà phát triển thì phải truyền bá, đào tạo âm nhạc thật tốt, và mình còn sức khỏe thì còn phải cống hiến.
- Là một trong những người có công đặt nền móng lý luận cho nền âm nhạc nước nhà, liệu ông có thể đưa ra một vài đánh giá về đời sống âm nhạc hiện nay?
- Đời sống âm nhạc hiện nay, theo tôi, đang phát triển mạnh và rộng, cũng có người này, người kia nhưng nhìn chung là tốt. Tôi đánh giá cao lớp trẻ hiện nay, họ rất giỏi, hiểu biết sâu rộng. Đó là may mắn của đất nước. Trình độ thưởng thức của công chúng cũng hơn xưa rất nhiều. Ngày xưa, sang nhất là có cái đài Orionton, bây giờ thì có quá nhiều phương tiện để thưởng thức âm nhạc. Những người làm âm nhạc đi trước như chúng tôi chỉ góp ý một chút, đó là phải phát triển nền âm nhạc đi đúng hướng, đừng quá sùng ngoại mà quên đi bản sắc dân tộc mình.
Chúng ta phải tìm hiểu, tận dụng chất dân tộc cùng với việc tập hợp những cái hay của thế giới để đưa về làm giàu đẹp thêm cho âm nhạc Việt Nam. Tôi vẫn nói chúng ta phải “học ngoài vì trong” là như thế. Đó là điều rất quan trọng, không chỉ với người sáng tạo mà với cả cơ quan quản lý. Tôi cho rằng khán giả không sùng ngoại đâu, cái gì hay của dân tộc người ta đều thích cả. Nền âm nhạc của Việt Nam đang có nhiều triển vọng phát triển, mong tất cả hãy hợp lực để mang đến cho công chúng một nền âm nhạc dân tộc hiện đại.
- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của nhạc sĩ!