Câu chuyện đẹp về tình người
Sức khỏe - Ngày đăng : 08:43, 02/07/2020
Thông tin trên báo chí cho biết, bệnh nhân đã hoàn toàn tự thở, tự ngồi dậy, tự tập đứng dậy và bước được vài bước, quan trọng hơn cả là ý thức, nhận thức đã trở lại... Với tiến triển như vậy, việc xuất viện, trở về nước của bệnh nhân này chỉ còn là vấn đề thời gian.
Những thông tin ấy gây xúc động, làm ấm lòng bao người. Rõ ràng đó là cái kết có hậu, không chỉ là phép màu kỳ diệu với bệnh nhân - người mới chỉ hơn một tháng trước còn trong tình trạng “thập tử nhất sinh”, “tiên lượng xấu”, “nguy kịch”…, mà còn là một kỳ tích của ngành Y tế Việt Nam, thậm chí như giới chuyên gia đánh giá thì “chưa từng có trong y văn thế giới”.
Hiếm thấy ca bệnh nào trên thế giới được dư luận đặc biệt quan tâm như trường hợp bệnh nhân số 91. “Nhất cử nhất động” quá trình điều trị, giành giật sự sống cho bệnh nhân này từ tay thần chết của các thầy thuốc Việt Nam, đều được truyền thông, mạng xã hội cả trong nước và quốc tế cập nhật sát sao. Nhiều tháng qua, bên cạnh theo dõi tin tức về diễn biến dịch Covid-19, hàng triệu người Việt Nam hằng ngày cũng “nín thở” dõi theo việc điều trị cho bệnh nhân 91 với nhiều cảm xúc lo lắng, buồn vui. Đáng nói là hầu như không có ai thắc mắc vì sao chúng ta phải chịu vất vả, tốn kém để cứu chữa một người ngoại quốc xa lạ, mà phần lớn đều coi đó là việc phải làm, lẽ tự nhiên…
Sở dĩ dư luận có sự cảm thông, sẵn sàng chia sẻ với phi công người Anh như vậy là bởi người Việt Nam vốn có truyền thống “tương thân, tương ái”, “thương người như thể thương thân” - một đạo lý từ ngàn đời của dân tộc (chả thế mà có tới gần 60 người sẵn sàng tình nguyện hiến phổi cho bệnh nhân này). Đối với các thầy thuốc, ngoài truyền thống hết sức nhân văn ấy, họ còn mang trong mình sứ mệnh cao cả, đó là cứu người, cho dù đó là ai, đến từ đâu…
Sau hơn nửa năm đại dịch hoành hành, tính đến ngày 28-6 thế giới đã có hơn 10 triệu người mắc Covid-19, trong đó trên nửa triệu ca tử vong. Trong khi đó, Việt Nam mới có 355 ca nhiễm, là một trong số ít các quốc gia, vùng lãnh thổ chưa có trường hợp tử vong do Covid-19. Chính vì thế, sự phục hồi kỳ diệu của bệnh nhân số 91 được xem là một biểu tượng cho sự thành công trong “cuộc chiến” chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam, không chỉ củng cố niềm tin trong nước mà còn khiến bạn bè quốc tế nể phục.
Ngày 25-6, đến thăm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, Đại sứ Anh Gareth Ward cảm ơn đội ngũ thầy thuốc của bệnh viện nói riêng và ngành Y tế Việt Nam nói chung đã có nhiều quan tâm, nỗ lực quên mình trong việc chăm sóc, điều trị hiệu quả cho 20 công dân Anh mắc Covid-19 tại Việt Nam, đặc biệt là bệnh nhân số 91, đóng góp vào thành quả chung trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Hãng tin Reuters trong bài viết ngày 14-5 về quyết tâm cứu sống phi công người Anh mắc Covid-19 của Việt Nam đã nêu rõ, “trường hợp bệnh nhân phi công người Anh đã thu hút sự quan tâm của cả nước, nơi Chính phủ đang giành được sự ủng hộ vì chiến dịch ứng phó với dịch bệnh”.
Tương tự, tờ Financial Times ngày 23-5 nhận định: “Việc cứu chữa cho bệnh nhân người Anh đã trở thành ưu tiên của ngành Y tế và Chính phủ Việt Nam - vốn đang được dư luận trong nước và quốc tế ủng hộ về những thành công nổi bật trong công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua”...
Có một thực tế là bệnh nhân số 91 mang quốc tịch Scotland (thuộc Liên hiệp Anh). Gọi “phi công người Anh” có lẽ do giới truyền thông liên tưởng tới cuốn tiểu thuyết lừng danh The English Patient (Bệnh nhân người Anh) của tác giả Michael Ondaatje - cuốn sách sau này đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên và “ẵm” tới 9 giải Oscar, 2 giải Quả cầu Vàng và 5 giải BAFTA cho phim hay nhất năm 1997.
Và cũng giống như cuốn sách và bộ phim nói trên, bệnh nhân số 91 - phi công người Anh là một câu chuyện đẹp về tình người không biên giới được viết nên bởi các thầy thuốc và người dân Việt Nam nói chung trong “cuộc chiến” chống đại dịch Covid-19 của nhân loại đầu thế kỷ XXI.