Hình thành thói quen thưởng thức nghệ thuật có trách nhiệm

Văn hóa - Ngày đăng : 08:55, 02/07/2020

(HNMCT) - Khán giả là thước đo thành công, cũng là điều kiện sống còn của bất kỳ loại hình nghệ thuật nào. Xây dựng khán giả, bồi dưỡng, đào tạo họ trở thành những người thưởng thức nghệ thuật một cách có thẩm mỹ, có trách nhiệm là việc làm cần thiết góp phần chấn hưng nền nghệ thuật nước nhà. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với tinh thần Kết luận số 76-KL/TW ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Câu chuyện của giao hưởng

Nhạc giao hưởng đối với đa số công chúng là cái gì đó cao sang, xa vời, dường như chỉ dành cho giới chuyên môn, những người có đời sống tinh thần rất cao. Thế nên, người ta gọi đây là loại hình nghệ thuật “kén” khán giả và đã có không ít chuyện “dở khóc, dở cười” trong những đêm diễn được coi là đỉnh cao như vậy.

Các chương trình hòa nhạc thường niên của Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời được người yêu nhạc cổ điển săn vé trước cả tháng trời.

Cách đây khoảng 10 năm, khi các dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng thế giới bắt đầu biểu diễn thường xuyên hơn tại Việt Nam, khi một số doanh nghiệp, tổ chức văn hóa nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào nghệ thuật hàn lâm - nghĩa là khi công chúng có nhiều cơ hội hơn để thưởng thức nhạc thính phòng - thì cũng là lúc báo chí đề cập khá nhiều về “những tiếng vỗ tay lạc nhịp”.

Nghĩ rằng vỗ tay là thể hiện sự lịch sự, tán thưởng, khen ngợi nghệ sĩ nên khi nhạc dừng, rất nhiều khán giả đồng loạt vỗ tay. Nhưng chính tiếng vỗ tay theo nhịp như trong một buổi sinh hoạt tập thể lại “tố cáo” họ không hiểu gì về thể loại âm nhạc mà mình đang nghe. Rồi câu chuyện khán giả đi nghe nhạc giao hưởng với tâm lý “cho biết”, nói chuyện, xem điện thoại, thậm chí ngủ gật ngay trong khán phòng... cũng không phải là hiếm.

Nhưng đến nay, câu chuyện về khán giả của nhạc hàn lâm đã khác trước. Tiến sĩ âm nhạc Chương Vũ, một chuyên gia về nhạc giao hưởng, nhận định: “Nhạc giao hưởng đang xây dựng lớp công chúng riêng cho mình. Một lớp khán giả mới của nghệ thuật hàn lâm, đa phần rất trẻ, đã dần được định hình tại Việt Nam”. Đó là kết quả của một quá trình dài thường xuyên, kiên trì tổ chức các chương trình hòa nhạc theo nhiều hình thức để tiếp cận đông đảo công chúng. Ngoài những buổi hòa nhạc được tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội - thánh đường của nhạc hàn lâm, công chúng còn dễ dàng tiếp cận những buổi hòa nhạc ở các trung tâm văn hóa, thậm chí ở trên đường phố. 

Từ năm 2005 đến nay, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (VNSO) đã mang đến cho khán giả hơn 130 buổi hòa nhạc đặt vé trước, với tỷ lệ vé được đặt khoảng 80 - 90% cho thấy một lớp khán giả trung thành của nghệ thuật này. Các chương trình hòa nhạc thường niên của Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời, chương trình hòa nhạc Toyota Classic, Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert... được người yêu nhạc cổ điển săn vé trước cả tháng trời. Bên cạnh biểu diễn, các hoạt động giới thiệu nhạc cổ điển thông qua nói chuyện, giảng dạy cũng được triển khai ở nhiều cấp độ, mang đến cho công chúng nền tảng kiến thức để có thể hiểu và yêu thích nghệ thuật này.

Bà Vũ Thị Mai Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm văn hóa Kim Đồng:  
Việc chú trọng đào tạo cho thanh niên, thiếu niên cả về thể chất lẫn tinh thần, cho các em cơ hội tiếp cận với các loại hình nghệ thuật từ trên ghế nhà trường là rất quan trọng. Các hoạt động đó cung cấp kiến thức nghệ thuật để các em biết đâu là giá trị nghệ thuật đích thực, đâu là thị hiếu tầm thường cần phải tránh, từ đó bồi đắp tâm hồn, tình cảm, trí tuệ, góp phần hình thành nhân cách. Hơn nữa, thế hệ trẻ cũng chính là lớp khán giả tương lai của nghệ thuật mà chúng ta càng sớm gieo mầm, chăm sóc thì càng sớm gặt được quả ngọt!

Chuyện của sân khấu truyền thống

Khác với âm nhạc hàn lâm, sân khấu truyền thống dường như đang “đi ngược” trong vấn đề khán giả. Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Chiêm, người nổi tiếng với những vai nam chính trên sân khấu Nhà hát Chèo Hà Nội một thời từng chia sẻ: Những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, các buổi biểu diễn của nhà hát luôn kín khán giả, thậm chí có những vở được diễn 2 - 3 suất mỗi ngày. Khán giả thường xuyên xếp hàng mua vé, mang cả sổ hộ khẩu để đặt vé...

Nhưng rồi sân khấu dần thoái trào, nhất là sân khấu truyền thống ngày càng khó cạnh tranh với những loại hình giải trí mới. Nhiều vở diễn dựng xong, diễn báo cáo được một vài buổi rồi phải xếp lại chờ liên hoan, hội diễn... Khán giả trẻ không còn mặn mà với tuồng, chèo, cải lương..., khiến các nhà hát buộc phải lao đi tìm khán giả. Nhà hát Cải lương Hà Nội nhiều năm thử nghiệm mô hình sân khấu nhỏ mang tính xã hội hóa Tiếng đàn giọng ca cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội để thu hút người yêu cải lương đến sinh hoạt. Nhà hát Chèo Hà Nội tìm đến các trường học để kết hợp xây dựng chương trình ngoại khóa nhằm gây dựng thế hệ khán giả tương lai. Nhà hát Tuồng Việt Nam, các nhà hát múa rối thì tìm cách kết hợp với ngành Du lịch...

Âm nhạc hàn lâm hay sân khấu truyền thống chỉ là những ví dụ tiêu biểu cho thấy khán giả không phải là một “hằng số” trong nghệ thuật. Vì vậy, để duy trì tình yêu của khán giả với nghệ thuật, cần thường xuyên ươm mầm, nuôi dưỡng tình yêu ấy, qua đó tạo thói quen thưởng thức nghệ thuật. Tiến sĩ Chương Vũ cho rằng: “Với bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, đều phải thông qua sự học hỏi, hướng dẫn và tìm hiểu thì mới có thể hình thành tính thẩm mỹ và sự hiểu biết của mỗi cá nhân. Nhiều người xem dàn nhạc giao hưởng ngoài đường phố hoặc các loại hình nghệ thuật khác ban đầu có thể chỉ do tò mò, sau đó qua tiếp xúc và cảm nhận, họ có thể tìm hiểu sâu hơn”.

Vì mục tiêu xây dựng con người 

Khán giả là một mắt xích quan trọng tạo nên thế “kiềng 3 chân” của nghệ thuật (gồm tác giả - nghệ sĩ biểu diễn - người thưởng thức). Tuy nhiên, việc đào tạo như thế nào để công chúng tiếp cận nghệ thuật một cách tự nhiên, hiệu quả là một bài toán khó. Bài học từ thành công bước đầu của nghệ thuật hàn lâm cho thấy yêu cầu đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và biểu diễn. Trong đó, việc đào tạo các thế hệ khán giả phải được chú trọng thông qua việc đưa nghệ thuật vào học đường một cách hợp lý. Đồng thời, để tạo ra sức hút cho khán giả, người làm nghệ thuật phải không ngừng đổi mới.

Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Lực cho rằng, những người làm nghệ thuật phải luôn đặt câu hỏi: Liệu mình đã theo kịp khán giả chưa, có nói được những điều mà họ muốn nghe, muốn xem, những giá trị mới mà họ muốn đón nhận hay chưa?

Một vở diễn của Nhà hát Chèo Việt Nam.

Việc đào tạo khán giả không chỉ có ý nghĩa đối với sự tồn tại của một loại hình nghệ thuật, mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong việc phát triển con người bởi cảm thụ nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong quá trình hoàn thiện tâm hồn, nhân cách. Biết thưởng thức cái đẹp sẽ giúp giới trẻ nâng cao trình độ thẩm mỹ, có sức đề kháng tự nhiên với những thứ phi nghệ thuật.

Như vậy, đào tạo khán giả không chỉ là trách nhiệm của các nghệ sĩ, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Yêu cầu này được thể hiện rõ trong Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đặc biệt, một trong những kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW được Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, báo cáo Bộ Chính trị vừa qua, là: “Phát triển văn hóa ngày càng gắn bó hơn với xây dựng con người Việt Nam. Vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người được coi trọng và phát huy hơn”.

Kết luận số 76-KL/TW ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị chỉ rõ 8 nội dung cần quan tâm thực hiện, trong đó có nội dung: Tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; tăng cường giáo dục thẩm mỹ... cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên; hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người Việt Nam có thế giới quan khoa học, có nhân cách, lối sống đẹp.

An Định