Các địa phương chi hơn 11,2 nghìn tỷ đồng cho 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ

Đời sống - Ngày đăng : 11:51, 02/07/2020

(HNMO) - Phát biểu tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 2-7, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, triển khai gói an sinh xã hội của Chính phủ nhằm hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, 6 tháng đầu năm 2020, các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Tính đến ngày 30-6-2020, các bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt danh sách người được hỗ trợ là 15,8 triệu người, thuộc 6 nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí 17,5 nghìn tỷ đồng. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, các địa phương đã giải ngân hơn 11,2 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho 11.015.041 người và 6.196 hộ kinh doanh gồm: Lao động hợp đồng, lao động mất việc làm, lao động tự do; nhóm đối tượng yếu thế, hộ nghèo, cận nghèo; người có công, người hưởng trợ cấp xã hội…

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các địa phương đã chủ động triển khai gói hỗ trợ. Lãnh đạo nhiều địa phương đã trực tiếp chỉ đạo, bảo đảm tiền hỗ trợ kịp thời đến tay người dân và không để xảy ra sai sót… Đến nay, cơ bản các đối tượng thuộc diện được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã nhận tiền hỗ trợ, nhất là nhóm đối tượng nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người thất nghiệp…

Làm rõ thêm về việc có ý kiến cho rằng số tiền hỗ trợ ít, đồng chí Đào Ngọc Dung cho rằng, nguyên nhân là do dự báo số lượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khá cao, theo dự kiến, thời gian giãn cách xã hội kéo dài 3 tháng, nhưng thực tế chỉ kéo dài 1 tháng. Những đối tượng cần hỗ trợ theo quy định đều đã được thụ hưởng chính sách. “Quan trọng là đối tượng cần hỗ trợ đều được nhận hỗ trợ kịp thời, đúng quy định, chứ không phải là số tiền hỗ trợ nhiều hay ít”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chia sẻ, một số địa phương tuy khó khăn về tài chính vẫn bố trí tiền tích lũy để triển khai gói hỗ trợ. Với đối tượng lao động tự do bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid-19 tại các địa phương đều đã được thụ hưởng chính sách. Nổi bật là 5 thành phố trực thuộc Trung ương đều rất quan tâm vấn đề này. Đơn cử, tại thành phố Hồ Chí Minh, số lao động tự do đã được hỗ trợ là 153.000/184.000 người, bằng 85%; lao động bị tạm hoãn hợp đồng là 36.000/43.000 người, bằng 85%.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng được triển khai bài bản, chặt chẽ, trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã thực hiện giám sát ở 30/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đến nay, mới phát hiện 3 thôn, bản có xảy ra sai phạm khi thực hiện gói hỗ trợ. Mọi vi phạm đều được ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh.

“Nhìn tổng thể, số tiền hỗ trợ và lượng người thụ hưởng lớn, đa dạng, song đến nay, gói hỗ trợ của Chính phủ cơ bản được thực hiện công khai, minh bạch và đúng đối tượng thụ hưởng. Việc Chính phủ kịp thời triển khai gói hỗ trợ đã được cộng đồng quốc tế và nhân dân ghi nhận, ủng hộ. Qua đó, niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước được nâng lên”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định.

Hương Ly