Thực hiện EVFTA, ngành hải quan cam kết tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 16:18, 02/07/2020
Ông Lưu Mạnh Tưởng cho rằng, trong số các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết và thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được đánh giá là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới.
Với một lộ trình cắt giảm thuế cụ thể ngay khi EVFTA có hiệu lực thực thi, Hiệp định mang lại lợi ích cho cả hai bên, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
“Thực hiện EVFTA, ngành hải quan cam kết sẽ tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan”, ông Lưu Mạnh Tưởng nhấn mạnh.
Cũng tại tọa đàm, ông Hà Duy Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho hay, Bộ Tài chính đang gửi hồ sơ xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp đối với dự thảo Nghị định về biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA giai đoạn 2020-2022. Dự kiến, dự thảo Nghị định sẽ được xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ trong tháng 7-2020. Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày EVFTA chính thức có hiệu lực (1-8-2020).
Điểm nổi bật của dự thảo Nghị định này là biểu thuế xuất khẩu ưu đãi EVFTA quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, thuế suất cho giai đoạn 2020-2022, áp dụng đối với 526 dòng thuế, các mặt hàng còn lại thuộc danh mục mặt hàng chịu thuế xuất khẩu hiện hành, được cam kết xoá bỏ thuế xuất khẩu ngay khi EVFTA có hiệu lực.
Về mức thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế suất trung bình năm 2020 là 9,32%; năm 2021 là 9,01%; năm 2022 là 8,71%.
Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện EVFTA quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định, gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với 10.857 dòng thuế, trong đó có 10.773 dòng thuế theo cấp độ 8 số và 84 dòng thuế được chi tiết theo cấp độ 10 số.
Về mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, thuế suất trung bình năm 2020 là 9,26%; năm 2021 là 7,73%; năm 2022 là 6,2%.
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), với Hiệp định EVFTA, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông/thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ... là rất đáng kể.
Riêng ở góc độ thu hút đầu tư, ông Khanh nhận định, môi trường đầu tư mở hơn và thuận lợi hơn, triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam nhiều hơn.
Còn ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham cho rằng, đầu tư FDI vào Việt Nam sẽ tăng nhưng không diễn ra xu thế dịch chuyển nhanh, nhất là trong khối doanh nghiệp EU, bởi dịch chuyển đầu tư sẽ mất thời gian.