Lặng yên nghe sen tàn

Sách - Ngày đăng : 15:03, 03/07/2020

(HNMCT) - Những ảnh hình mở ra không gian, không gian đưa ta vào sự vô cùng vô tận của cảm xúc và tưởng tượng. Đó là điều ta thấy được khi đọc thi tập Lặng yên nghe sen tàn của nhà thơ xứ Huế Trần Tịnh Yên.

Lặng yên nghe sentàn như thể được khởi thủy bằng ý niệm. Sự tinh lặng là thành quả sau những cồn cào, va đập, đứt nối, nứt vỡ mà nhà thơ đã trải qua trong thể nghiệm của người sáng tạo: “Trong sự quyến rũ của mùa hè đang rạn nứt/ những hương sen rộn rã/ rụng xuống/ vũng im lìm”.

Sự độc đáo của Trần Tịnh Yên đưa ta trở về với những hình dung thân thuộc: “Một đêm vỡ òa sênh phách/ có bàn chân bước về từ tro nấm hương/ thức trong nguồn mạch núi non/ nghe giao mùa tàn dần trên nếp áo”. Phải chăng thơ ông đang cho ta hồi cố về một điều gì đã lãng quên, đã vuột mất; chính xác hơn là thơ Trần Tịnh Yên đánh thức vùng tiềm thức của mỗi người bằng ngôn từ giàu liên tưởng. “Một ngày có mùi lá héo rất buồn/ giữa rì rào âm tiết/ tôi bay chuyến cuối cùng qua ký ức của em”.

Sự mới lạ không đến từ kỹ thuật của ngôn từ, mà đến từ tư - duy - thơ. Thơ ca Việt Nam đương đại, khi sự cách tân còn đang đem đến nhiều hiểu lầm, tranh cãi thì Trần Tịnh Yên lặng lẽ cách tân mình, cách tân bạn đọc bằng chính sự mới lạ từ tư duy viết, để rồi thơ xuất hiện như lời thì thầm từ vô thức thẳm sâu: “Cắm một cành thủy cúc vào ngày xanh thẳm/ con thuyền màu hoa ngọc lan lặng lẽ chạm vào vĩnh cửu/ nằm mơ khói vỡ dưới cầu”.

Sau tất cả, thơ nên là sự thấu suốt, lay động trong mỗi người. Sau những lớp ngôn từ và hình thức biểu hiện, thơ còn lại gì? Dĩ nhiên ta chẳng nên bóc tách khái niệm khi mà thơ là sự tổng hòa của rất nhiều yếu tố. Nhưng sau chót, cái ta mong mỏi vẫn là điều gì đó cảm nhận được qua thơ? “Về nằm nghiêng chờ mưa/ nghe khúc hát ru của gió đêm/ linh hồn tôi quay trở về/ rạn nứt như men gốm”.

Đọc Trần Tịnh Yên, ta có thể quên đi ông đang viết gì, đề tài đã không còn là điều quan trọng hay vướng bận. Nhà thơ dẫn dụ người đọc theo hướng mà ông gợi mở và đi đến tận cùng: “Chiều nay/ chim ngừng hót trong thơ tôi/ trên sân ga trái mùa/ ai đó vừa lìa bỏ một mùi hương”.

Không gian này mở ra không gian khác, đi trong cõi thơ Trần Tịnh Yên là đi theo cảm xúc và liên tưởng. Nhà thơ, bằng những bài thơ của mình, không thôi nhắc ta về cách đọc. Đọc thơ chẳng nên là cách đọc - hiểu thông thường, hoặc cố gắng để hiểu nhà thơ đang nói điều gì. Bởi nhiều khi, để hiểu nhà thơ đang diễn đạt điều gì, đó là điều bất khả, vì ngay chính nhà thơ trong nguồn cảm hứng bất chợt cũng khó lòng rành rõ, cắt nghĩa được toàn vẹn ý thơ của mình. Thơ nhiều khi để cảm nhiều hơn là để hiểu. Tất nhiên, không phải với thơ nào cũng vậy. Ở Trần Tịnh Yên, đó là điều mà người đọc nên làm. “Những con chim ngói đã sang sông/ giữa lát cắt của bóng ngày/ có giọt nước đang nằm nghiêng/ Sau những giọt đèn/ mưa lau cổng chùa/ trăng đã đổ đầy bình bát”.

Trong sự suy tư về thơ, có lẽ Trần Tịnh Yên đã chọn theo sự vẫy gọi không ngừng của ảnh hình, những tiếng nói hiện lên/ vọng ra từ vô thức. Vậy nên, Lặng yên nghe sentàn là trùng điệp những câu thơ như được “chớp lấy” từ xa xăm, mơ hồ nhưng cũng sâu đậm, ám gợi: “Dáng ai ngồi hát trong tranh/ buồn như ngói cũ; và chuông nhà thờ cũng muốn đi xa/ ngày em lớn dần lên trong thánh lễ; có tiếng chuông vỡ trên mặt đường/ một ngày thơm như chiếc lá đang chờ hiến tế/ trong giấc mơ của tôi mọc đầy đám cháy...”. Những câu thơ sẽ làm nên đường bay cho người viết, trong sự tinh lặng của Lặng yên nghe sen tàn, tôi tin Trần Tịnh Yên đã kiến tạo nên một đường bay riêng khác cho chính mình.

Trần Tịnh Yên sinh năm 1956 tại Thừa Thiên Huế, từng được nhận Giải thưởng Thơ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam (2008), Tặng thưởng Thơ của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế (2014, 2017), Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô lần thứ VI (2013 - 2018). Trước Lặng yên nghe sen tàn, ông đã in các tập thơ: Nẻo quyên ca , Áo mơ phai, Ký ức phù sa, Gai sen, Nghi lễ thụ phấn.

Hoài Phương