Bước chuyển cho xuất khẩu nông sản
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:08, 04/07/2020
Chưa khai thác hết tiềm năng
Khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được triển khai thì nông nghiệp Thủ đô cần có sự chuyển hướng phù hợp để đón cơ hội mới. Sau thành công tại Malaysia vào năm 2016, liên tiếp các năm 2018, 2019 nhãn chín muộn Hà Nội tiếp tục chinh phục thị trường Mỹ, Australia. Ông Trần Văn Bảy chủ vườn nhãn ở xã Song Phương (huyện Hoài Đức) - vùng nhãn đầu tiên được cấp mã vùng xuất khẩu sang thị trường Mỹ cho biết: “Nhãn chín muộn xuất khẩu ra các thị trường thế giới có giá bán cao gấp 5-7 lần so với bán trong nước, góp phần nâng cao giá trị và thu nhập cho nông dân”.
Năm 2019, 10.000 bông cúc giống Nhật Bản sản xuất theo công nghệ cao của Công ty cổ phần Vật tư và Giống cây trồng Hà Nội đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản. Năm 2020, công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu hơn 20.000 bông cúc sang thị trường này.
Ngoài nhãn chín muộn và hoa cúc đã xuất khẩu, mặt hàng gạo hữu cơ với giống lúa Japonica của Hà Nội cũng đang hoàn thiện các thủ tục để có thể xuất khẩu trong thời gian sớm nhất. Bà Phùng Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Xuất khẩu Greenpath Việt Nam thông tin, cuối năm 2019, công ty đã làm các thủ tục về cấp mã vùng trồng, kiểm dịch thực vật đối với vùng trồng lúa hữu cơ Japonica tại huyện Chương Mỹ. Hy vọng gạo hữu cơ sớm được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Australia như dự kiến.
Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu nông sản của Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, Hà Nội có hơn 600ha nhãn chín muộn có thể đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường như Mỹ, Australia. Ngoài ra, còn có 7.000ha trồng lúa Japonica; 3.000ha trồng chuối; 700ha trồng hoa (riêng hoa cúc giống Nhật Bản bảo đảm chất lượng xuất khẩu có diện tích hơn 100ha)...
Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản, mặc dù có nhiều lợi thế, song đến nay, sản phẩm xuất khẩu của Hà Nội mới chỉ tính được trên đầu ngón tay. Nguyên nhân chính do sự tham gia của doanh nghiệp vào các chuỗi sản xuất nông sản chủ lực của Hà Nội còn mỏng; người dân chưa chủ động chuyển đổi sang phương thức sản xuất hữu cơ, GlobalGAP đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Mặt khác, chính quyền các địa phương chưa có sự vào cuộc quyết liệt để xây dựng vùng sản xuất và thương hiệu cho sản phẩm.
Quy hoạch vùng gắn với phát triển thương hiệu
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Hà Nội đã xây dựng nhóm nông sản chủ lực để hướng tới xuất khẩu. Theo đó, thành phố sẽ tập trung vào 5 mặt hàng là: Nhãn chín muộn, gạo hữu cơ với giống lúa Japonica chất lượng, hoa cúc giống Nhật Bản, chuối nuôi cấy mô và trứng gia cầm. Nhằm xây dựng sản phẩm nông nghiệp chủ lực cho xuất khẩu, Hà Nội đã và đang thực hiện tích cực giải pháp quy hoạch vùng sản xuất gắn với phát triển thương hiệu; kêu gọi doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất nông sản chủ lực, hướng tới xuất khẩu.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho biết, huyện đã quy hoạch vùng sản xuất giống lúa Japonica với hơn 3.400ha tại các xã có đủ điều kiện về đất, nguồn nước để trồng theo hướng hữu cơ, phục vụ xuất khẩu. Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã Liên Châu (huyện Thanh Oai) Lê Văn Ích, xã có gần 100ha nuôi vịt, gà theo công nghệ cao và sản phẩm trứng vịt Liên Châu đã có thương hiệu. Hiện xã đang phối hợp với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam để liên kết sản xuất hướng đến xuất khẩu.
Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (Chương Mỹ) Trịnh Thị Nguyệt cho biết, để xuất khẩu thì bên cạnh việc quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng thương hiệu, sự liên kết, kết nối với các doanh nghiệp rất quan trọng.
Về phía thành phố, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Tất cả 5 mặt hàng chủ lực đang được thành phố xây dựng phục vụ xuất khẩu đều sản xuất theo hướng tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và GlobalGAP. Đơn cử, nhãn chín muộn sẽ phát triển tại 2 huyện Hoài Đức và Quốc Oai; gạo xuất khẩu sẽ phát triển tại Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thanh Oai; chuối nuôi cấy mô tập trung tại các vùng bãi của một số huyện có thế mạnh; sản phẩm trứng gia cầm, trước mắt sẽ thực hiện tại vùng chăn nuôi đã có thương hiệu như Thanh Oai, Chương Mỹ; với hoa, Hà Nội tập trung xuất khẩu hoa cúc giống Nhật Bản nuôi cấy mô tại Mê Linh, sau đó mở rộng ra một số huyện như Đan Phượng, Hoài Đức.
Nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu khắt khe, đối với nhãn chín muộn, Sở NN&PTNT Hà Nội giao Trung tâm Phát triển nông nghiệp tiến hành cải tạo, ghép giống, liên kết với Bộ NN& PTNT để mở rộng mã vùng. Các mặt hàng như trứng gia cầm, hoa cúc, Sở đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành chuyển giao công nghệ, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm. Ngoài ra, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu chế biến tại chỗ để sơ chế, bảo quản... Hy vọng rằng, từ những nhóm hàng chủ lực này, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ định vị nông sản tại thị trường trong nước và thế giới.