Thúc đẩy phát triển kinh tế Tây Nguyên
Kinh tế - Ngày đăng : 12:22, 14/11/2022
Dự kiến, sự kiện sẽ diễn ra ngày 19 và 20-11-2022 với chủ đề “Phát triển xanh - hài hòa - bền vững”. Hội nghị sẽ được tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Khoảng 500 đại biểu sẽ tham dự hội nghị.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vùng và đạt được nhiều kết quả to lớn, rất quan trọng, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta, phát huy những tiềm năng, lợi thế của vùng cho phát triển nhanh và bền vững.
Quy mô kinh tế của vùng tăng nhanh, năm 2020 gấp hơn 14 lần năm 2002. Tây Nguyên đã trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng với cả nước. Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong vùng và cả nước.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của vùng còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại; GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội.
Những hạn chế, bất cập này nếu được khắc phục, kết hợp với những tiềm năng, lợi thế và nguồn lực còn chưa được khai hiệu quả, bên cạnh các cơ hội mới sẽ là dư địa, cơ hội để Tây Nguyên phát triển mạnh trong thời gian tới.
Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TƯ, với mục tiêu phát triển vùng Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến. Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số. Hệ thống thiết chế văn hóa được nâng cấp. Giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Hệ sinh thái rừng, nhất là rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học, được bảo tồn và phát triển; an ninh nguồn nước được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh khu vực biên giới được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, duy trì ổn định. Tổ chức Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường. Chính phủ đang khẩn trương ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết này.
Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh, cần làm rõ, khai thác tối đa tiềm năng về tự nhiên, bản sắc văn hóa bản địa để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực nổi bật như năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch - công nghệ cao, chế biến nông sản và du lịch mang bản sắc dân tộc.
Trong khuôn khổ sự kiện, các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên sẽ trao một số giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng.