Cần sự đầu tư đồng bộ
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:25, 05/07/2020
Trong khi nhiều hãng phim hoạt hình nước ngoài liên tục cho ra đời những bộ phim hút khán giả với doanh thu “khủng”, thì hoạt hình nước ta vẫn nhích từng bước ngắn. Gánh trên vai trách nhiệm phục vụ đối tượng thiếu nhi nên phim buộc phải có những định hướng riêng, chứ không đơn thuần là vì mục tiêu kinh tế. Cộng với nền tảng yếu nên nội dung thường đơn điệu, chủ đề không phong phú. Chưa kể, hình ảnh, âm thanh, kỹ xảo phim không hiện đại. Trong khi đó, lứa tuổi nhỏ lại háo hức với những điều mới lạ, vui nhộn, ẩn chứa sự ly kỳ - những điều làm nên thành công của các bộ phim hoạt hình nước ngoài.
Không phải những khán giả nhỏ tuổi không thích phim hoạt hình Việt, mà “chìa khóa” nằm ở chất lượng phim chưa theo kịp yêu cầu, đòi hỏi của các “thượng đế”. Việc thua kém cả về bề nổi và chiều sâu khiến phim hoạt hình Việt thua ngay trên “sân nhà” bởi thiếu kinh phí đầu tư, thiếu kịch bản chất lượng và thiếu nguồn nhân lực đủ mạnh. Khi 3 chân của "chiếc kiềng" này không vững thì việc tác phẩm làm ra không đủ sức hút với người xem là điều khó tránh khỏi.
Với thực tế như vậy, muốn bứt phá để đáp ứng nhu cầu khán giả nhí, điều tất yếu là phim hoạt hình Việt Nam cần có sự đầu tư đồng bộ và sự vào cuộc tích cực từ nhiều phía.
Trước hết, muốn có phim hay phải có những kịch bản hấp dẫn, chất lượng; phim mang hơi thở cuộc sống hiện đại, gần gũi đối tượng phục vụ, nhưng cũng phải đáp ứng được sự tò mò, sáng tạo của trẻ thơ. Do đó, các nhà biên kịch, các nhà sản xuất cần đặt mình vào thế giới con trẻ để sáng tạo nên những tác phẩm vừa bảo đảm yếu tố ngộ nghĩnh, đáng yêu, vừa khơi gợi, kích thích trẻ nhỏ.
Mang đặc thù riêng phục vụ thiếu nhi nên lợi nhuận làm phim không phải là mục tiêu hàng đầu. Song, nếu có nguồn vốn đủ lớn, có nguồn nhân lực đủ mạnh, việc đầu tư cho phim hoạt hình sẽ như mũi tên trúng được nhiều đích. Trong vấn đề này, đầu tư cho nguồn nhân lực là hướng đi quan trọng và mang tính bền vững nhất. Muốn vậy, lực lượng lao động trong lĩnh vực phim hoạt hình phải được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, những người làm phim phải luôn tìm cách giao lưu, học hỏi, đổi mới, cập nhật những xu hướng làm phim, quảng bá phim hiện đại để vẫn bảo đảm yếu tố truyền thống nhưng không tụt hậu với thế giới.
Việc phát triển thể loại phim hoạt hình có những khó khăn riêng, do đó, rất cần các cơ quan quản lý có cơ chế ưu đãi và linh hoạt để lĩnh vực này có thể nâng tầm và tìm kiếm cơ hội bứt phá. Trong bối cảnh hiện nay, nếu Nhà nước đóng vai “bà đỡ” hỗ trợ tài chính - ví như áp dụng cơ chế đặt hàng trong giai đoạn ngắn, sẽ tạo trợ lực quan trọng, giúp các đơn vị sản xuất phim hoạt hình vươn lên để có thể sản xuất những bộ phim đáp ứng nhu cầu khán giả.
Hiện đã có một số hãng tư nhân đầu tư làm phim hoạt hình và bước đầu gặt hái thành công nhất định. Theo đó, ngành Điện ảnh có thể lựa chọn, tạo ra những “hạt nhân” chất lượng, xây dựng cơ chế “ươm tạo”, liên kết sản xuất. Khi đầu tư đúng hướng sẽ mở ra cơ hội cho sự phát triển của cả những ngành “ăn theo” khác như thị trường đồ chơi, kênh truyền thông chuyên biệt phục vụ trẻ em...
Để hiện thực hóa mục tiêu ra rạp cũng như phát triển trên môi trường số, phim hoạt hình cần nhiều yếu tố quan trọng kích đẩy nhằm tạo lập vững chắc nền tảng cho sự phát triển. Chỉ khi đầu tư đồng bộ về mọi mặt, phim hoạt hình Việt Nam mới có chỗ đứng trong lòng khán giả nước nhà.