Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội: Làm tốt công tác chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh

Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:58, 06/07/2020

(HNM) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành Thú y Việt Nam (11/7/1950 - 11/7/2020), trong những năm qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã làm tốt công tác chuyên môn trong việc phát triển đàn vật nuôi, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; kiểm soát sản phẩm động vật ra - vào trên địa bàn thành phố. Việc này đã góp phần cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.

Cán bộ thú y kiểm tra công tác phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn thành phố. Ảnh: Đăng Khôi

Chi cục Thú y (trước đây), nay là Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 5682/QĐ-UBND ngày 23-10-2018 của UBND thành phố Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Phòng Chăn nuôi thuộc Sở NN&PTNT và Chi cục Thú y trực thuộc Sở NN&PTNT. Những năm qua, chi cục đã làm tốt công tác tham mưu đề xuất các chính sách phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố.

Hà Nội là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn. Cụ thể, đàn gia cầm có 36 triệu con, đàn lợn 1,3 triệu con (thời điểm trước khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi là 1,87 triệu con), đàn trâu bò 153.000 con... Chi cục đã thực hiện tốt công tác quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi; giống vật nuôi trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, đưa chế phẩm vi sinh EM vào lĩnh vực xử lý môi trường và đệm lót sinh học trong chăn nuôi, góp phần giảm 80-90% mùi hôi thối của chuồng nuôi, tăng khả năng kháng bệnh cho vật nuôi...

Từ đầu năm 2020 đến nay, chi cục tập trung thực hiện việc xây dựng, tham mưu Sở NN&PTNT báo cáo thành phố trình HĐND thành phố nghị quyết về khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố.

Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, chi cục đã tham mưu cho thành phố giữ nguyên và nâng cao hiệu quả hoạt động mạng lưới thú y cơ sở (với 579 trưởng ban thú y xã, phường, thị trấn và 2.181 nhân viên thú y thôn), hệ thống này có vai trò rất tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh tại cơ sở; tổ chức tốt việc tiêm phòng vắc xin định kỳ và bổ sung cho đàn vật nuôi, đặc biệt các bệnh nguy hiểm (cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, bệnh tai xanh ở lợn...).

Hằng năm, chi cục chỉ đạo tổ chức 5-6 đợt tổng vệ sinh tiêu độc môi trường trên địa bàn toàn thành phố, trong đó tập trung vào các vùng có nguy cơ cao như: Ổ dịch cũ, trại chăn nuôi, các cơ sở kinh doanh buôn bán, giết mổ... Chi cục đã triển khai có hiệu quả, thường xuyên kiểm tra hoạt động kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, các chốt kiểm dịch liên ngành, góp phần bảo đảm kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm...

Trong thời gian tới, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là rất cao. Mặt khác, Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn song chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 60%). Trên địa bàn thành phố hiện có 738 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; trong đó có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 24 cơ sở tập trung, còn lại phần lớn là thủ công và nhỏ lẻ, rất khó khăn trong công tác quản lý.

Để chủ động cho công tác phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh, thời gian tới, chi cục tiếp tục phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư; chăn nuôi theo hướng liên kết chuỗi, từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và chăn nuôi an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, chi cục làm tốt công tác tham mưu bổ sung các chính sách về phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, phối hợp tốt hơn nữa với các tỉnh, thành phố trong công tác phát triển chăn nuôi, kiểm soát giết mổ, sản phẩm động vật... nhằm cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng...

Nguyễn Ngọc Sơn