Dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến đáng lo ngại
Thế giới - Ngày đăng : 06:18, 07/07/2020
Sau 6 tháng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tình hình dịch bệnh được kiểm soát ở nhiều quốc gia từng mang lại hy vọng về việc nhân loại chuẩn bị kiểm soát được vi rút SARS-CoV-2. Tuy nhiên, diễn biến xấu của dịch Covid-19 ở một số nước trong những ngày gần đây cho thấy nguy cơ từ vi rút nguy hiểm này chưa hề giảm và còn có khả năng bị thổi bùng trở lại.
Kỷ lục mới nhất được xác lập ngày 4-7 khi số ca nhiễm Covid-19 bất ngờ tăng cao nhất từ trước đến nay với thêm 212.326 trường hợp, phá kỷ lục của ngày 28-6 với 189.077 ca. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn một nửa số ca nhiễm trên thế giới được ghi nhận chỉ trong tháng 6.
Là tâm điểm dịch Covid-19 lớn nhất hành tinh, nước Mỹ liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới trên mức 50.000 người mỗi ngày, đưa tổng số ca dương tính tại xứ Cờ hoa tiến tới mốc 3 triệu người. Tình trạng dịch bệnh đang vượt tầm kiểm soát cũng diễn ra ở Ấn Độ khi quốc gia Nam Á này chứng kiến số người mắc Covid-19 tăng cao liên tục theo từng ngày.
Các chuyên gia y tế cũng lên tiếng báo động Chính phủ Nhật Bản cân nhắc tái áp đặt tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh đã có thêm 240 ca mắc mới trong ngày 5-7, mức kỷ lục kể từ hôm 25-5.
Với Tây Ban Nha, việc thực hiện trở lại các biện pháp mạnh đã được triển khai. Ngày 4-7, toàn bộ khu vực tỉnh Lerida, cách thủ phủ Barcelona của vùng Catalonia khoảng 150km về phía Đông với 200.000 dân đã bị phong tỏa khi nhà chức trách phát hiện các ổ lây nhiễm tăng nhanh tại đây.
Trên thực tế, khi dịch bệnh có dấu hiệu lắng dịu, nhiều quốc gia trên thế giới đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, giới chuyên gia khuyến cáo, sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 trên khắp nước Mỹ đang đe dọa làm chệch hướng sự hồi phục kinh tế khi nhiều bang đã ngừng hoặc thu hồi một phần kế hoạch mở cửa trở lại.
Theo một khảo sát của CNN, 87% số nhà kinh tế được hỏi tin rằng, làn sóng Covid-19 thứ hai có thể trở thành mối nguy hiểm lớn nhất đối với nước Mỹ trong năm nay. Đây cũng là thảm họa với kinh tế toàn cầu.
Dự báo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, trong trường dịch bệnh bùng phát trở lại vào cuối năm, sản lượng kinh tế thế giới có thể giảm tới 7,6% trong năm 2020 so với năm 2019.
Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan nhấn mạnh, dịch bệnh không thể biến mất một cách thần kỳ và nếu chính phủ các nước quá tập trung khôi phục trạng thái bình thường mà lơ là việc phòng dịch, nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát với số bệnh nhân tăng cao là tất yếu. Do đó, cần cân bằng giữa các mục tiêu phát triển kinh tế với nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, bởi khi hệ thống y tế bị quá tải và sụp đổ, sẽ có thêm nhiều người tử vong.
Bài học từ dịch cúm năm 1918 khiến ít nhất 50 triệu người thiệt mạng cho thấy, dịch bệnh tấn công theo từng đợt nối tiếp nhau, đợt sau nghiêm trọng hơn đợt trước. Điều đó có nghĩa là nguy cơ về những làn sóng lây nhiễm mới vẫn đang rình rập, khiến thế giới có thể phải đương đầu với những đợt suy thoái mới.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, điều tồi tệ nhất của đại dịch vẫn chưa tới và các chính phủ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để bảo vệ những thành quả đã đạt được.