Nhân rộng mô hình mạ khay, cấy máy
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:15, 08/07/2020
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, một máy cấy 4 hàng làm việc 8 giờ/ngày sẽ cấy được 0,8-1ha, tương đương 25-30 người vừa cấy, vừa nhổ mạ. Để nhân rộng mô hình mạ khay, cấy máy, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tích cực hỗ trợ các địa phương. Trong năm 2019, đơn vị đã hỗ trợ gieo 108.000 khay mạ để cấy máy cho 400ha lúa/2 vụ tại 5 điểm thuộc 4 huyện. Vụ mùa 2020, trung tâm tiếp tục hỗ trợ 6 máy cấy lúa, 4 dây chuyền gieo mạ khay tự động; xây dựng mô hình sản xuất mạ khay, mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy với quy mô 108.000 khay mạ cho 400ha lúa tại 8 huyện.
Tại huyện Ba Vì, theo Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Phan Thị Xuân Hương, vụ mùa 2020, đơn vị triển khai mạ khay, cấy máy trên quy mô 50ha tại xã Phú Cường. Qua đánh giá thực tế, tổng chi phí từ việc gieo mạ khay và cấy bằng máy giảm được 40% so với gieo mạ, cấy tay truyền thống. Mô hình này còn khắc phục được tình trạng thiếu nhân lực khi thời vụ vào giai đoạn cao điểm.
Bà Cao Thị Thủy, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa) cho hay, nhờ áp dụng mô hình mạ khay, cấy máy, ngoài tổ chức sản xuất nhanh gọn diện tích lúa mùa tại địa phương, hợp tác xã còn hỗ trợ nhiều xã cấy vụ mùa nhanh, tránh bỏ hoang đất nông nghiệp. Cụ thể, trong vụ mùa 2020, toàn bộ hơn 10ha ruộng bỏ hoang của xã Quảng Phú Cầu được hợp tác xã đưa máy cấy vào sản xuất rất thuận lợi.
Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Uông Thị Phượng, nhờ việc đưa mạ khay, cấy máy vào sản xuất trong vụ mùa 2020, huyện đã vượt tiến độ đề ra; đồng thời giúp địa phương hầu như không còn diện tích đất bị bỏ hoang.
Tuy nhiên, hiện nay, việc đưa mạ khay, cấy máy vào áp dụng đại trà tại các địa phương còn chậm, diện tích lúa được cấy bằng máy trên địa bàn toàn thành phố mới đạt 5.000ha, chiếm 2,73% diện tích. Nguyên nhân do hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng nhiều nơi chưa đáp ứng phương pháp này; mức hỗ trợ cho mô hình còn thấp, chưa khuyến khích được nông dân mua máy công suất lớn… Ngoài ra, khâu làm mạ khay tại một số nơi chưa tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật dẫn tới giá thể không bảo đảm chất lượng và quy chuẩn. Mặt khác, cơ sở dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị nông nghiệp tại các địa phương chưa phổ biến…
Để khắc phục, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho rằng, trước hết, cần tăng cường năng lực, xây dựng các hợp tác xã chuyên cung ứng dịch vụ mạ khay, cấy máy cho các địa phương. Điển hình như huyện Phú Xuyên có 2 hợp tác xã chuyên làm dịch vụ này, nhờ đó đã có xã áp dụng phương pháp mạ khay cấy máy trên 90% diện tích cấy lúa.
Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện và có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho cá nhân, tập thể đầu tư cơ giới hóa trong khâu gieo cấy; hỗ trợ mỗi huyện từ 1 đến 2 trung tâm sản xuất mạ khay. Bên cạnh đó, Quỹ Khuyến nông cần hỗ trợ người dân, hợp tác xã về vốn vay để mua máy cấy bảo đảm chất lượng, công suất… Phía trung tâm cam kết sẽ đẩy mạnh tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu cho người sử dụng về kỹ năng xử lý, kỹ thuật sử dụng, sửa chữa máy cấy lúa và phương pháp thực hiện dây chuyền gieo mạ khay tự động…