Đắk Lắk khẩn trương khống chế bệnh bạch hầu ngay khi có ca bệnh "lạ"
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:58, 09/07/2020
Ca bệnh “lạ” ở Đắk Lắk
Ngày 7-7, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận ca bệnh bạch hầu đầu tiên. Đó là một nữ bệnh nhân sinh năm 1968, ở buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk.
Trước đó, ngày 4-7, bệnh nhân khởi bệnh với các triệu chứng sốt, đau họng, nuốt khó và tự mua thuốc về điều trị tại nhà nhưng không đỡ.
Đến ngày 6-7, bệnh nhân vào điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Lắk và được chẩn đoán viêm amidal hốc mủ, chưa loại trừ bệnh bạch hầu. Sau đó, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm xác định bệnh và cho kết quả dương tính với bạch hầu.
Theo kết quả điều tra yếu tố dịch tễ, trước và trong thời gian mắc bệnh, bệnh nhân sống và làm ruộng tại buôn Diêo, không đi ra khỏi buôn, không tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu. Xung quanh gia đình bệnh nhân cũng không ghi nhận trường hợp mắc bệnh tương tự.
Hiện nay, ngành Y tế Đắk Lắk chưa xác định được nguồn lây bệnh cho bệnh nhân này. Một điều lạ nữa là tại các tỉnh Tây Nguyên khác, hầu hết người mắc bệnh bạch hầu đều ở lứa tuổi thiếu nhi, trong khi bệnh nhân ở Đắk Lắk đã ngoài 50 tuổi. Điều đó cho thấy tính chất phức tạp của bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên hiện nay.
Ngay khi xác nhận ca bệnh đầu tiên, trong chiều 7-7, Trung tâm Y tế huyện Lắk đã cử cán bộ về buôn Diêo, tiến hành phun hoá chất diệt khuẩn tại nhà ca bệnh và 12 gia đình xung quanh. Đồng thời, đã điều tra được 18 người tiếp xúc gần với bệnh nhân để cho uống kháng sinh dự phòng, lấy mẫu xét nghiệm.
Trong ngày 8-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho hơn 700 người của buôn Diêo và phun hoá chất toàn buôn. Cùng với đó, chính quyền địa phương đã lập 3 chốt chặn trên các tuyến đường, kiểm soát người ra, vào buôn.
“Hiện tại, đơn vị cũng đã tiếp nhận 300.000 viên thuốc kháng sinh dự phòng bạch hầu để cung cấp cho người dân. Dự kiến, trong thời gian tới, sẽ triển khai công tác tiêm chủng, phấn đấu 95% đối tượng có nguy cơ cao được tiêm chủng đầy đủ vắc xin bạch hầu, uốn ván”, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết.
Thực hiện các biện pháp quyết liệt
Mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh và thuốc kháng sinh điều trị đặc hiệu nhưng tỷ lệ tử vong do bệnh bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên vẫn khá cao, chiếm gần 6%.
Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân là người dân tộc thiểu số chiếm tới 90%. Trong số này, tỷ lệ người lành mang trùng chiếm 47%. Đây là nguồn lây bệnh cho người khác. Đa phần trường hợp mắc là người trên 7 tuổi, chưa được tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu.
Điều đáng lo ngại là ở nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu thông tin về tình hình dịch bệnh và ý thức phòng ngừa bệnh chưa cao. Tại các địa phương này, thiết bị y tế và trình độ của đội ngũ y, bác sĩ ở cơ sở còn hạn chế nên khó phát hiện sớm và điều trị kịp thời khi có ca bệnh.
Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, cho biết sẽ tăng cường tập huấn cho y tế tuyến xã, tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh; tổ chức ngay việc tiêm vắc xin phòng bạch hầu, uốn ván ở những khu vực có nguy cơ cao…
“Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến trung ương thành lập các đoàn chuyên gia về Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên khác hỗ trợ dập dịch, tăng cường tiêm vắc xin phòng bệnh cho người dân. Ngành Y tế Đắk Lắk sẽ phối hợp tốt để sớm khống chế, tiến tới dập tắt bệnh bạch hầu trên địa bàn”, ông Nay Phi La nhấn mạnh.