Triều Tiên bác bỏ đàm phán với Mỹ: Niềm tin suy giảm

Thế giới - Ngày đăng : 06:19, 09/07/2020

(HNM) - Những hy vọng về mối quan hệ Mỹ - Triều Tiên tiếp tục có những bước tiến dài đang ngày càng nhạt nhòa. Bình Nhưỡng một lần nữa khước từ mọi đề nghị đàm phán với Washington. Điều này cho thấy niềm tin giữa hai bên đang suy giảm nghiêm trọng, tạo ra nhiều bất trắc cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Ngày 8-7, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun đã thảo luận với các quan chức cấp cao Hàn Quốc về vấn đề Triều Tiên.

Ngay khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên đặt chân tới Seoul (Hàn Quốc) để thảo luận việc tháo gỡ bế tắc trong bối cảnh Triều Tiên kiên quyết từ chối đối thoại, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã đăng tải tuyên bố của Vụ trưởng Vụ Các vấn đề Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao nước này Kwon Jong-gun. Tuyên bố này tái khẳng định lập trường của Bình Nhưỡng về việc không có ý định ngồi vào bàn đàm phán với Washington. Những cố gắng nối lại thảo luận Mỹ - Triều Tiên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với đề xuất ông sẽ thực hiện vai trò trung gian cũng bị nước láng giềng phía Bắc từ chối.

Sự kiên quyết của Bình Nhưỡng đã báo hiệu một giai đoạn căng thẳng mới giữa Mỹ và Triều Tiên trong bối cảnh tiến trình ngoại giao nhằm phi hạt nhân hóa quốc gia Đông Bắc Á này bị ngưng trệ. Chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố Washington đã đi ngược lại những lời hứa của mình và dường như chỉ coi hồ sơ Triều Tiên là một công cụ để “ghi điểm”, tạo thuận lợi cho bầu cử ở Mỹ mà không thực sự xem đây là một ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại.

Kể từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội hồi tháng 2-2019 kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào do hai bên không có tiếng nói chung về những vấn đề mấu chốt của lộ trình phi hạt nhân hóa, lập trường của hai nước ngày càng xa nhau. Đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn bảo vệ quan điểm về việc ký kết một thỏa thuận cả gói, trong đó Triều Tiên phải cam kết thực thi tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Đó là chính sách không thay đổi của đảng Cộng hòa kể từ thời chính quyền Tổng thống George Bush. Theo đó, Mỹ yêu cầu Bình Nhưỡng phải giải giáp nguyên tử trước khi bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Triều Tiên được nới lỏng.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lại theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa từng bước kèm theo các động thái “có đi có lại” của Mỹ trong việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế nhằm vào nước này. Nguyên tắc của Triều Tiên là “hành động đổi hành động”, tức là hai bên phải cùng đồng thời có những bước đi cụ thể và tăng dần lên, thay vì Bình Nhưỡng đơn phương phi hạt nhân hóa như một điều kiện để được Washington dỡ bỏ trừng phạt.

Khác biệt quá lớn này khiến hy vọng về khả năng có đột phá mới nhằm tạo động lực cho đối thoại Mỹ - Triều Tiên thực sự mong manh khi cả hai phía đều chưa có ý định nhượng bộ trong những vấn đề cốt lõi. Tất nhiên, chuyến đi của Thứ trưởng Ngoại giao S.Biegun cho thấy, Mỹ vẫn chưa từ bỏ các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bằng con đường đàm phán. Song, rõ ràng là mục tiêu này đang đứng trước rất nhiều thách thức khi chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-un đã thể hiện nỗi thất vọng qua việc gửi đi các thông điệp cứng rắn và quyết đoán.

Dẫu vậy, các nhà phân tích cho rằng, cánh cửa ngoại giao vẫn chưa hoàn toàn khép lại, vì với cả hai bên, việc đạt được thống nhất bằng đối thoại là một thắng lợi chính trị có ý nghĩa lịch sử.

Khả năng Tổng thống Donald Trump đề xuất một cuộc gặp tiếp theo với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngay trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới vẫn còn để ngỏ. Thế nhưng, những diễn biến ngày càng xấu đi trong quan hệ hai nước lẫn căng thẳng gần đây trong quan hệ liên Triều cho thấy, “con tàu” hòa bình dường như đang quay trở về vạch xuất phát.

Hoàng Linh