Cựu cai ngục Đức quốc xã lĩnh án tù
Hồ sơ - Ngày đăng : 12:09, 09/07/2020
Bruno Dey bị cáo buộc có liên quan tới việc giết hại 5.230 người khi làm cai ngục ở trại tập trung Stutthof gần khu vực Danzig, hiện là thành phố Gdansk của Ba Lan.
Đức quốc xã xây dựng trại Stutthof năm 1939 với mục đích ban đầu là giam giữ các tù nhân Ba Lan. Tuy nhiên sau đó, Đức quốc xã đã giam giữ tới 110.000 tù nhân, trong đó có nhiều người Do Thái. Khoảng 65.000 tù nhân đã chết trong trại này.
Bruno Dey trở thành bị cáo ở một tòa án xét xử vị thành niên tại Hamburg (Đức) do thời điểm bị cáo buộc phạm tội, y mới khoảng 17-18 tuổi. Hơn 70 năm sau phiên gác cuối cùng của Bruno Dey tại nơi được coi là trại tập trung đầu tiên của Đức quốc xã bên ngoài biên giới Đức, cựu cai ngục này bị buộc tội góp phần gây ra cái chết của hàng nghìn người và được đưa ra hầu tòa trên một chiếc xe lăn.
Tuy nhiên, trước tòa, Bruno Dey đã bác bỏ mọi tội lỗi mà y đã thực hiện ở trại Stutthof. Đối tượng này khẳng định chưa bao giờ là thành viên của Đức quốc xã và chỉ làm việc từ tháng 8-1944 đến tháng 4-1945 cho SS - đơn vị vận hành trại tập trung - do mắc bệnh về tim nên không thể phục vụ tại tiền tuyến.
Trong lời khai trước phiên tòa hồi tháng 5, Bruno Dey nói rằng y muốn quên đi quãng thời gian ở trại diệt chủng. “Tôi không mang theo mình cảm giác tội lỗi vì những điều đã xảy ra khi đó. Tôi không hề góp phần vào các hành động ấy, ngoài việc đứng gác. Tôi bị buộc phải làm như vậy, đó là mệnh lệnh” - Bruno Dey cho biết.
Trước đó, vào năm 2019, Bruno Dey thừa nhận mình biết về các căn buồng gây ngạt khí ga và cũng thừa nhận đã chứng kiến “những gương mặt hốc hác, những người đang phải chịu đựng đau khổ”, song vẫn khăng khăng rằng mình vô tội.
Tuy nhiên, các công tố viên lập luận rằng, Bruno Dey biết rõ về việc “giết người hàng loạt có tổ chức” xảy ra xung quanh và đã góp phần vào những tội ác không thể dung thứ, gây ra sự kinh hoàng và nỗi hổ thẹn. Thời gian Bruno Dey phục vụ tại khu trại trùng với thời điểm diễn ra “Giải pháp cuối cùng cho vấn đề Do Thái” - kế hoạch sát hại người Do Thái một cách có hệ thống, thông qua việc bỏ đói, từ chối chăm sóc sức khoẻ hay dùng khí ga gây ngạt…
Sau chiến tranh, Bruno Dey trở thành một thợ làm bánh và sinh sống tại Hamburg. Người này kết hôn và có 2 con gái, sau đó làm thêm nghề lái xe tải và làm việc trong lĩnh vực bảo dưỡng công trình.
Y bị điều tra sau vụ việc vào năm 2011, khi cựu cai ngục của trại Sobibor là John Demjanjuk bị cáo buộc tham gia vào “cỗ máy chết chóc”, khiến gần 30.000 người Do Thái bỏ mạng tại khu trại và bị kết án 5 năm tù. Người này đã qua đời sau đó một năm ở tuổi 91.
Vụ việc đã trở thành một án lệ và mở ra khả năng tiến hành thêm nhiều vụ xét xử khác đối với những người từng làm cai ngục tại các trại tập trung Đức quốc xã.