Cháy nhà kho, xưởng sản xuất: Thực trạng đáng lo ngại
Đời sống - Ngày đăng : 06:06, 09/07/2020
“Bà hỏa” ẩn nấp khắp nơi
Vụ cháy hơn 800m2 nhà kho của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Cường Việt tại phường thượng Thanh (quận Long Biên) sáng 30-6 vừa qua đã gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến môi trường. Để lại hậu quả nặng nề hơn vụ hỏa hoạn này, là vụ cháy xưởng sản xuất của Công ty TNHH Song Ngân, trong Khu công nghiệp Phú Thị (huyện Gia Lâm) ngày 6-5-2020 đã làm 3 người tử vong…
Đây chỉ là hai trong số nhiều vụ cháy nhà kho, xưởng sản xuất xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thống kê của Công an thành phố cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 22 vụ cháy nhà kho, xưởng sản xuất, đứng thứ hai trong các loại hình cơ sở xảy ra cháy. Cháy nhà kho, xưởng sản xuất cũng chiếm khoảng 60%-70% thiệt hại về tài sản trong tổng số các vụ cháy.
Đáng lo ngại là đang có hàng nghìn nhà kho, xưởng sản xuất không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố. Tại quận Hoàng Mai, dọc đường Nguyễn Cảnh Dị (phường Đại Kim) có hàng chục nhà kho, xưởng chỉ được dựng khung thép, lợp mái và bao quanh bằng tôn, hàng hóa xếp lấn chiếm lối đi, thiết bị phòng cháy, chữa cháy hầu như không có… Tương tự, dãy nhà kho, xưởng sản xuất tại đường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) cũng trong tình trạng tạm bợ. Ngoài ra, trên địa bàn các quận Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông, Cầu Giấy, Tây Hồ… vẫn tồn tại nhà kho, xưởng sản xuất tạm bợ, luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
"Một số kho, xưởng sản xuất trên địa bàn quận vi phạm an toàn phòng cháy, chữa cháy đã bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn lén lút hoạt động", Trung tá Hoàng Vũ Nam, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Hai Bà Trưng) cho biết.
Thực trạng trên không chỉ diễn ra tại các quận mà tại các huyện, nhà kho, xưởng sản xuất cũng gây e ngại cho người dân về an toàn cháy nổ. Ông Nguyễn Hồng Nhị, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 3 (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) cho biết: "Nhiều năm qua, tại ngõ 300 đường Nguyễn Xiển và đường Tân Triều, hàng chục nhà kho chứa đồ nhựa, xưởng tái chế rác vẫn hoạt động. Nhiều vụ cháy tại các nhà kho đã xảy ra, tuy nhiên cơ quan chức năng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm”.
Còn chị Nguyễn Thị Quỳnh (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất) kể, dọc tỉnh lộ 419 qua địa bàn xã Phùng Xá có hàng chục kho, xưởng sản xuất các mặt hàng từ gỗ, nằm sát nhà dân. "Nguy cơ cháy nổ từ các kho, xưởng sản xuất này là rất cao nên chúng tôi rất lo lắng", chị Quỳnh nói.
Cần giải quyết bất cập trong quản lý tại cơ sở
Bên cạnh nguyên nhân công tác phòng ngừa của các chủ cơ sở chưa hiệu quả, chưa chấp hành tốt các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy thì công tác quản lý tại chỗ vẫn còn nhiều bất cập. Bởi theo quy định của pháp luật, những nhà kho, xưởng sản xuất nhỏ lẻ do UBND phường, xã, thị trấn trực tiếp quản lý, giám sát. Song thực tế, đây lại là nhiệm vụ quá sức với nhiều đơn vị.
Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) Tống Xuân Duy cho biết, cấp phường, xã, thị trấn hiện chưa có đội ngũ cán bộ chuyên trách; công tác thanh tra, kiểm tra chủ yếu dựa vào lực lượng công an xã, phường, thị trấn… “Lực lượng công an xã, phường, thị trấn hiện còn mỏng trong khi đảm nhận địa bàn rộng và ít được bồi dưỡng về chuyên môn phòng cháy, chữa cháy”, Trung tá Vũ Tiến Đạt, Trưởng Công an phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai) nêu bất cập.
Về giải pháp cho vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường cho rằng, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ ngay từ khi nhà kho, xưởng sản xuất được cấp phép, hình thành và hoạt động. Trong đó, dù khó khăn về lực lượng thì chính quyền địa phương vẫn cần siết chặt công tác quản lý phòng cháy, chữa cháy theo thẩm quyền và kiên quyết xử lý tình trạng xây dựng, cải tạo nhà kho, xưởng sản xuất trái phép…
Bên cạnh đó, việc nâng cao kiến thức phòng cháy, chữa cháy của chủ các cơ sở cũng là vấn đề cần được quan tâm. Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, chủ xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất ở xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) đưa ra giải pháp, bên cạnh việc trang bị các thiết bị phòng cháy, chữa cháy, các cơ sở cũng cần cắt cử nhân viên thường xuyên chú ý từ việc nhỏ nhất như để ý điện, nước, đến tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong cơ quan chức năng quan tâm tổ chức các lớp tập huấn về phòng cháy, chữa cháy để giúp các cơ sở nâng cao kiến thức và kỹ năng trong công tác này" bà Trang kiến nghị.
Để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng công an xã, phường, thị trấn, làm tốt công tác phòng ngừa từ cơ sở, Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, tham mưu cho Công an thành phố tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng công an cơ sở. Đồng thời, Công an thành phố cũng sẽ tổ chức tổng kiểm tra tại các nhà kho, xưởng sản xuất, kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ các chủ cơ sở, doanh nghiệp vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy.