EVN chuyển đổi số mạnh mẽ

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:43, 09/07/2020

(HNM) - Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ra Nghị quyết số 20-NQ/TƯ, ngày 1-11-2012, về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cụ thể hóa nghị quyết này bằng những chương trình hành động thiết thực, với những mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực tế, đưa nghị quyết trở thành động lực giúp EVN chuyển đổi số mạnh mẽ.

Lãnh đạo EVN gắn biển công trình Trạm biến áp 220kV Ninh Phước chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ III Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Ngọc Hà

Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Việc ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ thông tin vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh được Đảng bộ EVN xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn nhiệm kỳ 2015-2020 và những năm tiếp theo. Để triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TƯ, Đảng ủy EVN đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-ĐU, ngày 22-9-2017, về “Phát triển khoa học, công nghệ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (Nghị quyết 11/NQ-ĐU), trong đó khẳng định quan điểm: Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển tập đoàn.

Với tinh thần khẩn trương đưa nghị quyết vào cuộc sống, Đảng ủy Tập đoàn đã quán triệt tới các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trong tập đoàn đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tạo sự đột phá, chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu về nghiên cứu phát triển, tiếp nhận, chuyển giao, ứng dụng, khai thác công nghệ…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy EVN, tập đoàn đã hoàn thành mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 11/NQ-ĐU. Theo đó, đến năm 2020, khoa học công nghệ điện đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Nhờ đồng bộ các giải pháp và ứng dụng hiệu quả công nghệ mới, hết năm 2019, quy mô hệ thống điện Việt Nam xếp thứ 2, chỉ số tiếp cận điện năng xếp thứ tư khu vực Đông Nam Á…

Chuyển đổi số mạnh mẽ, toàn diện

Trước xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), Đảng ủy EVN cũng đã ban hành nghị quyết riêng về “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn” với mục tiêu xây dựng EVN trở thành doanh nghiệp số trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cho mọi hoạt động từ sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh và dịch vụ khách hàng.

Tập đoàn đã xây dựng và triển khai đề án “Ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn” tới tất cả đơn vị liên quan. Đảng ủy EVN đã chỉ đạo, lãnh đạo tập đoàn ứng dụng công nghệ mới trong quản lý vận hành để nâng cao độ tin cậy và tăng năng suất lao động. Đến nay, đã có hơn 40 đề án, dự án, đề tài, nhiệm vụ được EVN và các đơn vị triển khai xây dựng và thực hiện.

Một kết quả nổi bật khác là việc EVN thuộc một trong những đơn vị tiên phong trên cả nước triển khai văn phòng điện tử (E-Office) từ gần 20 năm trước.  Đến nay, 100% đơn vị của EVN đã sử dụng hệ thống E-Office để giải quyết công việc. Sau khi triển khai hệ thống E-Office, các báo cáo văn bản giấy của EVN nói chung đã giảm được tới 86%, đem lại hiệu quả cao trong quản trị doanh nghiệp. Hiện nay, EVN đang từng bước triển khai hệ thống phòng họp không giấy (E-cabinet) để vừa tiết kiệm chi phí đồng thời vẫn bảo đảm hiệu quả các cuộc họp.

Trong kinh doanh - dịch vụ khách hàng, ngay từ năm 2013, EVN là đơn vị đầu tiên trong cả nước phát hành hóa đơn điện tử trên quy mô lớn, qua đó góp phần tạo tiền đề cho các phương thức thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và giao dịch điện tử giữa EVN và khách hàng. Và tới năm 2019, EVN đã hoàn thành đáp ứng điều kiện để cung cấp hợp đồng điện tử, qua đó tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng...

Theo đánh giá sơ bộ của đơn vị tư vấn độc lập, đến nay, EVN đã hoàn thành trên 50% công việc theo lộ trình chuyển đổi số. EVN đặt mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số, cơ bản hoàn thiện ứng dụng các thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Để EVN tiếp tục là tập đoàn hàng đầu cả nước về chuyển đối số, Đảng ủy Tập đoàn sẽ tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; tăng cường đoàn kết, phát huy sáng kiến, sáng tạo trong phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; tiếp tục thực hiện mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 11/NQ-ĐU: Đến năm 2030 hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng phải đạt trình độ tiên tiến thế giới, đáp ứng được các yêu cầu của một nước công nghiệp. Huy động có hiệu quả các nguồn lực về khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động trong toàn tập đoàn ở mức hơn 2 lần mức tăng bình quân cả nước. Hình thành đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ điện có trình độ cao, tâm huyết, tận tụy; đồng thời phát triển các tổ chức khoa học, các chuyên gia khoa học điện đầu ngành. Qua đó, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao, cung cấp điện và dịch vụ điện với chất lượng ngày càng tốt hơn tới khách hàng.

Trung Hiếu