Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xem xét nhiều vấn đề quan trọng

Chính trị - Ngày đăng : 19:27, 09/07/2020

(HNMO) - Trong 3 ngày họp (từ ngày 9 đến 11-7-2020), các đại biểu tham dự kỳ họp lần thứ hai mươi, HĐND thành phố Hồ Chí Minh khóa IX tập trung thảo luận tập trung triển khai có hiệu quả "nhiệm vụ kép", vừa phòng dịch quyết liệt, vừa tích cực, khẩn trương phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Quang cảnh kỳ họp.

Triển khai nhiều nội dung quan trọng

Phát biểu khai mạc kỳ họp vào sáng 9-7, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh: “HĐND thành phố sẽ xem xét, thông qua kết quả phát triển kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm 2020; tập trung thảo luận, đề ra nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cho 6 tháng cuối năm nhằm đẩy nhanh tiến độ bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu và nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020, nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020”.

Tại kỳ họp, các đại biểu sẽ tham gia góp ý các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XI Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh; góp ý hoàn thiện “Đề án không tổ chức HĐND quận và phường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh"; quyết định nội dung giám sát của HĐND thành phố trong năm 2021 phù hợp với tình hình thực tiễn.

Cùng với đó, các đại biểu sẽ thảo luận việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh; triển khai Đề án xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh; Đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông và nhiều vấn đề quan trọng khác.

Xem xét những phần việc cụ thể

Trong ngày làm việc đầu tiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm thay mặt UBND thành phố trình bày nhiều tờ trình với HĐND thành phố. Trong đó đáng chú ý là Đề án phát triển giao thông công cộng và kiểm soát xe cá nhân giai đoạn 2021-2030 (Đề án) với tổng kinh phí gần 393.800 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, từ năm 2021-2025, Đề án tập trung tăng cường phương tiện giao thông công cộng… Mục tiêu đặt ra là vận tải hành khách công cộng đáp ứng 15% nhu cầu đi lại vào năm 2025 và 25% nhu cầu đi lại vào năm 2030.

Giai đoạn 2, từ năm 2026-2030, tập trung kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân, bao gồm cả việc thu phí ô tô vào nội đô và phân vùng hoạt động cũng như kiểm soát khí thải của mô tô, xe máy 2 bánh, 3 bánh.

Về vấn đề này, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hồ Chí Minh Trương Trung Kiên khẳng định, qua thẩm tra, Ban Đô thị đồng tình với việc ưu tiên phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng, tiến tới kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân tại thành phố Hồ Chí Minh.

Các đại biểu trao đổi tại phiên khai mạc. Ảnh: Việt Dũng

Chiều 9-7, các đại biểu HĐND thành phố Hồ Chí Minh thảo luận tại tổ, góp ý cho Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Nhiều ý kiến tập trung vào việc xây dựng chính quyền tinh gọn, vững mạnh và không tổ chức HĐND cấp quận, phường trong thời gian tới.

Đại biểu Lê Minh Đức, Phó ban Pháp chế, HĐND thành phố, đồng tình với việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường. “Kết quả thực tế về quyền làm chủ của nhân dân và hiệu lực của bộ máy nhà nước ở cơ sở vẫn được bảo đảm, giảm được tầng nấc trung gian trong giai đoạn thí điểm không tổ chức HĐND 24 quận, huyện và 259 phường tại thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2009-2016 đã thể hiện rất rõ điều này”, ông Lê Minh Đức nói.

Về việc thành phố đưa ra 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm trong nhiệm kỳ 2020-2025, đại biểu Trần Thanh Trí (quận 12) cho rằng, thành phố nên chọn 1 trong 4 chương trình để quyết tâm thực hiện cho bằng được.

“Tránh trường hợp như 7 chương trình đột phá trong nhiệm kỳ 2015-2020, chưa có cái nào đạt được 100%”, ông Trần Thanh Trí phát biểu.

Phương Nam