''Sân chơi'' nào cũng phải có sự kiểm soát
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:12, 10/07/2020
Sở dĩ các tập đoàn, doanh nghiệp đưa ra biện pháp mạnh kể trên là để gây sức ép yêu cầu Facebook xây dựng một nền tảng an toàn hơn, có chính sách quyết liệt hơn nhằm ngăn việc phát tán thông tin kích động bạo lực, phân biệt chủng tộc...
Được biết, từ cuối tháng 5, trên Facebook xuất hiện những thông tin sai lệch về cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc và tàn bạo của cảnh sát Mỹ, kích động thù địch, bạo lực. Thế nhưng, Facebook đã từ chối đưa ra hành động để ngăn chặn, trong khi lại có những điều chỉnh liên quan tới yếu tố chính trị, gỡ bỏ một số bài đăng và quảng cáo liên quan tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Ngay nội bộ Facebook cũng có những “rạn nứt” vì quan điểm trái chiều về những vấn đề kể trên.
Dưới áp lực dư luận, nhất là mất đi các khoản lợi nhuận hàng tỷ đô la Mỹ đến từ các công ty lớn, Facebook đã phải nhượng bộ, tuyên bố đồng ý thực thi biện pháp ngăn phát ngôn kích động, thù địch thay vì cho rằng không phải chịu trách nhiệm về những gì bên thứ ba đăng tải trên nền tảng.
Việc Facebook bị phản ứng không phải vấn đề mới mà đã diễn ra ở nhiều quốc gia trong những năm qua. Không thể phủ nhận những mặt tích cực mà nền tảng mạng xã hội này mang lại cho nhân loại khi tạo ra một “sân chơi”, sự kết nối toàn cầu thuận lợi, và chính điều đó đã giúp Facebook có sức ảnh hưởng lớn, từ đó thu lại nguồn lợi nhuận quảng cáo khổng lồ.
Một trong những lý do khiến các nền tảng mạng xã hội có sức ảnh hưởng thu lợi nhuận khổng lồ là đã “lỏng tay” để cho cư dân mạng của mình thỏa sức tự tung, tự tác phát tán thông tin thiếu kiểm chứng, thông tin xấu, độc, thậm chí kích động bạo lực, phân biệt chủng tộc nhằm đánh vào thị hiếu người đọc. Lượng tương tác tăng mạnh sẽ khiến lượng quảng cáo tăng mạnh và tiền đổ ào ào vào các doanh nghiệp quản lý mạng xã hội. Một “sân chơi” hốt bạc, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ kích động gây bất ổn, thậm chí gây bạo loạn lật đổ từng xảy ra ở nhiều quốc gia mà nay nước Mỹ cũng đang được nếm trải trong những ngày vừa qua.
Việc quản lý các “sân chơi” mạng xã hội, vì thế, càng cấp thiết và cần được nhìn nhận một cách đúng đắn hơn trên toàn cầu, vì sự an bình, lợi ích của nhân loại nói chung, mỗi quốc gia nói riêng chứ không chỉ vì một nhóm, tổ chức, doanh nghiệp nhất định. Thế giới phẳng không đồng nghĩa với dân chủ quá trớn để mỗi cá nhân có thể có những hành vi đi ngược với lợi ích cộng đồng, trái thuần phong, mỹ tục truyền thống quốc gia, dân tộc. Hơn ai hết, mỗi người sử dụng mạng xã hội cần ý thức rõ về hành động của mình khi tham gia “sân chơi” mạng xã hội, chấp hành nghiêm quy định tại Luật An ninh mạng bởi “không gian mạng quốc gia là không gian mạng do chính phủ xác lập, quản lý và kiểm soát”.
Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, trên thế giới có 138 quốc gia đã ban hành Luật An ninh mạng. Chính phủ Australia cũng vừa giao Cơ quan Thông tin và Truyền thông nước này xây dựng một bộ quy tắc nhằm giảm tác động của thông tin giả, thông tin sai lệch trên các nền tảng mạng xã hội, theo đó, sẽ buộc các công ty quản lý mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về thông tin đăng tải như các cơ quan truyền thông đại chúng.
Rõ ràng, “sân chơi” nào cũng có luật chơi, quy định ràng buộc người chơi. “Sân chơi” nào cũng phải có sự kiểm soát để bảo đảm an toàn trước hết cho người chơi rồi cộng đồng xã hội. Không ai muốn tham gia một trận bóng đá mà cầu thủ không biết luật, an ninh không bảo đảm, có thể dẫn tới ẩu đả, đổ máu. Muốn tổ chức cuộc chơi ở đâu, trước hết đơn vị tổ chức cần phải hiểu luật và chấp hành đúng quy định pháp luật sở tại. Và mỗi người chơi cũng phải hiểu rõ luật chơi khi tham gia “sân chơi”.