Nghệ sĩ ưu tú Doãn Bằng: Khắt khe với bản thân để không bao giờ lặp lại

Văn hóa - Ngày đăng : 11:09, 10/07/2020

(HNMCT) - Thiết kế sân khấu cho hơn 200 vở diễn mà không vở nào giống vở nào, Nghệ sĩ Ưu tú Doãn Bằng khiến đồng nghiệp nể phục bởi nỗ lực tìm tòi không ngừng trong nghệ thuật. Bản thân anh cũng luôn đưa ra những đòi hỏi rất khắt khe để tạo ra sự khác biệt - khác biệt với người khác và khác biệt với chính mình ngày hôm qua.

- Có bài báo viết rằng anh đến với thiết kế sân khấu như là định mệnh. Anh có thể chia sẻ đôi chút về điều này?

- Tôi sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật (bố là Nghệ sĩ Nhân dân Doãn Châu, mẹ là Nghệ sĩ Ưu tú Bích Thu), từ bé đã sống trong môi trường nghệ thuật, gắn với căn nhà tập thể của Nhà hát Kịch Việt Nam ở số 1 Tràng Tiền, Hà Nội. Có thời gian tôi sinh hoạt ở câu lạc bộ nghệ thuật như một diễn viên. Đến tuổi trưởng thành, tôi đứng giữa lựa chọn làm diễn viên hay một họa sĩ thiết kế sân khấu, và rồi tôi theo định hướng gia đình, nối nghiệp cha tôi là một họa sĩ thiết kế. Và sau này tôi nhận thấy mình hợp với nghề này hơn là trở thành diễn viên.

- Khi chọn về Nhà hát Kịch Việt Nam, nơi cha anh đang là “cây đa cây đề”, họa sĩ lừng danh của sân khấu, anh có những thuận lợi và khó khăn gì?

- Ra trường, khoảng 5 - 6 năm tôi không về nhà hát nào mà tự do tung tẩy làm những điều mình thích, đi vẽ tranh... Điều đó cho tôi vốn quý sau này về nhiều mặt, trong đó có vốn sống để khi đầu quân vào Nhà hát Kịch Việt Nam tôi có sự tự tin nhất định. Làm sân khấu, tính cạnh tranh không quá gay gắt nên với tôi cũng không có áp lực gì nhiều. Một thời gian, tôi cũng theo trào lưu thiết kế chung của các bậc tiền bối, nhưng rồi tôi thấy rằng muốn cạnh tranh với họ thì phải có cách khai thác khác biệt, từ đó tôi học và làm khác đi.

Sân khấu vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy do Nghệ sĩ Ưu tú Doãn Bằng thiết kế.

- Khi đã nổi tiếng với những vở diễn trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam, anh lại đầu quân cho Nhà hát Tuổi Trẻ, rồi làm sân khấu bên ngoài, đặc biệt là sân khấu cải lương. Anh kiếm tìm điều gì trên hành trình đó?

- Sau 15 năm gắn bó với Nhà hát Kịch Việt Nam, tôi cảm thấy mình cần thay đổi. Tôi luôn tâm niệm là một nghệ sĩ phải luôn sáng tạo, tạo ra sự khác biệt, không lặp lại người khác và lặp lại chính mình. Làm cái mới thì rất khó nhưng anh có thể tạo ra sự khác biệt. Muốn thế thì phải học, phải làm, va chạm, phải đi đây đi đó để cảm, quan sát. Tôi đòi hỏi mình luôn nhìn sự việc ở những góc nhìn khác nhau, để từ đó mang sự khác biệt vào tác phẩm.

Mỗi nhà hát có một tiêu chí và phong cách khác nhau, Nhà hát Kịch Việt Nam tập trung vào những vở diễn mang tính hàn lâm, còn Nhà hát Tuổi Trẻ phong cách trẻ trung hơn, có nhiều phá cách hơn. Mỗi nhà hát cho tôi cơ hội khác nhau để làm nghề. Còn nghệ thuật cải lương với tính ước lệ cao, cho tôi rất nhiều “đất” để thể hiện, mình có thể mang nhiều thứ vào bản thiết kế chứ không quá gò bó về niêm luật. Tuy nhiên, dù ở đâu, tôi chỉ làm công việc của mình, đòi hỏi khắt khe với bản thân để không bao giờ lặp lại.

- Có trong tay hơn 200 vở diễn, mỗi thiết kế đều không giống nhau, nhưng nhìn vào sân khấu, người ta biết ngay tác giả là Doãn Bằng, dù anh kết hợp với đạo diễn nào chăng nữa. Đâu là điều tạo nên phong cách riêng mà anh theo đuổi?

- Mười năm trở lại đây tôi không còn bị sức ép từ các đạo diễn, mà các đạo diễn để tôi tự do sáng tạo theo cách của mình.

Tôi rất thích mang thông điệp bên ngoài vào vở diễn, mỗi đạo cụ đều gắn với một ẩn dụ. Chẳng hạn, khi dựng vở Romeo và Juliet, tôi bàn với cố đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Anh Tú để đưa thông điệp về bạo lực vào tác phẩm. Liệu tình yêu có tồn tại được giữa thế giới bạo lực? Tôi đưa giáo mác, kiếm, chùy ngổn ngang khắp sân khấu với ẩn dụ: Khi tính bạo lực ở bên trong con người ta trỗi dậy thì bất cứ cái gì cũng có thể trở thành vũ khí. Tôi mang đến cho khán giả cơ hội để tưởng tượng, thậm chí tưởng tượng đó hoàn toàn khác biệt với cái mọi người vẫn nghĩ. Hầu hết các vở tôi làm đều có tính ẩn dụ rất mạnh, thiết kế của tôi được đánh giá tốt vì nó nói đúng những điều mà tác giả nêu lên, đạo diễn muốn thể hiện một cách mạnh mẽ.

Như tôi đã nói, tôi luôn cố để làm khác người khác và khác với chính tôi ngày hôm qua. Người nghệ sĩ muốn khác đi thì phải giống đã, phải xem người ta làm cái gì, đã có gì, phải đọc, phải học rất nhiều để từ đó có hệ quy chiếu của mình, muốn khác thì như thế nào. Và đến nay, tôi vẫn không ngừng học hỏi.

- Chân thành cảm ơn anh!

Lý An