Tín dụng những tháng cuối năm ''tăng vừa phải''

Tài chính - Ngày đăng : 12:29, 10/07/2020

(HNMO) - Dịch Covid-19 đã khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng bị kéo chậm lại, chỉ còn 3,26% sau 6 tháng đầu năm 2020; trong khi 6 tháng đầu năm 2018 và 2019 là 7,82% và 7,36%. Dự báo tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm sẽ tăng nhanh hơn những tháng đầu năm nhưng chỉ ở mức "vừa phải", vì vậy cả năm 2020 sẽ khó chinh phục được mục tiêu 14%.

Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBANK).

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, con số 3,26% của tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đã được dự báo trước.

Bởi, ngay cả khi dịch bệnh đã được khống chế trong nước, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội dần được khôi phục, song, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng của người dân chưa thực sự hồi phục, khiến doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, du lịch, hàng không…

Thực tế này cũng dẫn đến nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp chậm lại, bất chấp lãi suất đã giảm mạnh so với trước. 

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6, tín dụng lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn tăng 0,35%; sản xuất - xuất khẩu tăng 4,94%; công nghệ cao tăng 2,92%; công nghiệp hỗ trợ tăng 2,27%; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 0,7%.

Mặc dù tổng phương tiện thanh toán tăng khá cao, với 4,59% và huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35%, nhưng tốc độ tăng trưởng huy động vốn cao hơn tăng trưởng tín dụng cho thấy ngân hàng dư thừa nguồn vốn, trong khi lại khó đưa nguồn vốn vào nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Theo các chuyên gia kinh tế, lo ngại nợ xấu có thể quay lại, gây rủi ro cho ngân hàng cũng như nền kinh tế, các ngân hàng vẫn thắt chặt điều kiện cho vay. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, con số 3,26% tăng trưởng tín dụng vẫn khá lạc quan trong bối cảnh nhiều quốc gia thậm chí còn tăng trưởng âm. Vậy, các chuyên gia dự báo thế nào cho tăng trưởng tín dụng của cả năm 2020? 

Phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt, những tháng cuối năm, tín dụng được dự báo sẽ tăng nhanh hơn 6 tháng đầu năm nhưng mức độ tăng sẽ chỉ vừa phải. Tăng trưởng tín dụng cho cả năm vì vậy được dự báo ở quanh mức 10%.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực lại cho rằng: “Nhu cầu tín dụng dù có khả năng phục hồi, song mức tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ không quá lớn, dự kiến 9-10%”.

Về phía các ngân hàng, những con số tăng trưởng cao vẫn được các ngân hàng đặt ra. Chẳng hạn như đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2020 tăng 36%, đạt 4.400 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Tính đến hết tháng 6, OCB đã hoàn thành 43% kế hoạch lợi nhuận năm 2020, tương đương đạt 1.870 tỷ đồng trước thuế.

Còn với Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB), ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận đạt tối thiểu 4.500 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2019; tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 164,408 tỷ đồng, tăng 24%; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

Hay như Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đặt ra cho năm 2020 là 11,75%; chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 7.636 tỷ đồng. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc ACB cho biết, tính đến hết tháng 6, ACB đã đạt 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Để ngành Ngân hàng có thể đạt được mục tiêu tín dụng cho cả năm 2020, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định: "Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét nới room tăng trưởng tín dụng cho một số tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với chất lượng tín dụng do nguồn vốn ngân hàng cho vay là tiền gửi của dân".

Những ngân hàng đã trình Ngân hàng Nhà nước xin nới hạn mức tăng trưởng tín dụng có Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank)...

Hà Linh