Điều kỳ diệu mang tên “Thiên thần áo trắng”
Sức khỏe - Ngày đăng : 16:42, 12/07/2020
Chiến thắng Covid-19
Ngày 11-7, nam phi công người Scotland (Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland) của Vietnam Airlines, người được đông đảo công chúng trong và ngoài nước biết đến là "bệnh nhân 91", đã chính thức rời Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh, lên đường về nước.
Khi nhận hoa chúc mừng và giấy chứng nhận không bị mắc Covid-19, bệnh nhân 91, 43 tuổi, đã xúc động nói: “Tôi choáng ngợp trước sự hào phóng của người dân Việt Nam, sự tận tâm và chuyên nghiệp của các bác sĩ, y tá. Tôi chỉ có thể cảm ơn những người ở đây vì tất cả những gì họ đã làm. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì được về nhà nhưng cũng cảm thấy buồn khi phải tạm biệt những người mà tôi coi là bạn bè ở đây!”.
Các bác sĩ Việt Nam, từ những người trong Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến những y, bác sĩ trực tiếp cứu chữa cho bệnh nhân 91 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy cũng sẽ rất nhớ nam phi công này. Với họ, 115 ngày không mệt mỏi chiến đấu với thần chết để giành giật mạng sống cho bệnh nhân 91 mãi là kỷ niệm khó quên.
Ngược dòng thời gian, ngày 18-3-2020, giữa lúc cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Việt Nam diễn ra căng thẳng, nam phi công người Anh dương tính với Covid-19 nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh. Năm ngày sau, anh bắt đầu suy hô hấp. Đến ngày 25-3, bệnh nhân 91 phải thở ô xy qua mặt nạ, bệnh tình chuyển biến xấu rất nhanh, chỉ số ô xy hóa máu kém, có lúc phổi đông đặc, chỉ còn 10% hoạt động.
Để duy trì sự sống, các bác sĩ phải cho bệnh nhân thở máy xâm lấn. Sau đó, ê-kíp bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy nhanh chóng được cử sang tăng cường, hỗ trợ chạy ECMO (máy hỗ trợ chức năng tim, phổi) cho nam phi công này.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới), trong quá trình điều trị, hệ miễn dịch của bệnh nhân đã phản ứng quá mức khi bị vi rút tấn công, làm sản sinh ra chất Cytokine, tấn công mạnh vào phổi và gây tổn thương các phủ tạng.
Đây chính là nguyên nhân khiến hội chứng suy hô hấp cấp và suy đa tạng diễn biến nhanh. Ngoài ra, nam phi công còn bị rối loạn đông máu và mắc thêm hội chứng giảm tiểu cầu.
Lúc này, một nhóm hơn 30 chuyên gia đầu ngành hồi sức, truyền nhiễm, vi sinh, dược, dinh dưỡng … của 2 bệnh viện và các chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế cùng Tiểu ban Điều trị được thành lập và luôn ở trạng thái “online” xuyên Việt, tập trung theo dõi và hội chẩn. Khi bệnh nhân bắt đầu có phản ứng với thuốc Heparin, các bác sĩ quyết định sử dụng một loại thuốc mà Việt Nam chưa từng dùng, đó là thuốc kháng đông đường tĩnh mạch, do Đức sản xuất.
“Thuốc này chưa từng được sử dụng tại Việt Nam, phải chờ Bộ Y tế làm thủ tục nhập khẩu. Trong hơn 10 ngày chờ đợi, nhóm đã quyết định dùng tạm loại thuốc Xarelto chưa từng có trong phác đồ. Thời gian này căng thẳng vô cùng, vì đến ngày thứ 8, bệnh nhân bắt đầu có những dấu hiệu rối loạn đông máu trở lại, chúng tôi phải tìm đủ mọi cách để cầm cự”, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong cho biết.
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nhớ lại: “Trong 57 ngày, chúng tôi đã thay 7 màng ECMO. Đây là trường hợp hiếm có trong y văn thế giới”.
Vượt qua bao lằn ranh sinh tử, đến giữa tháng 5-2020, bệnh nhân 91 đã âm tính với vi rút SARS-CoV-2 nhưng sự hoạt động của tim, phổi vẫn hoàn toàn dựa vào máy móc.
Chiến thắng thần chết
Chiều tối 22-5, bệnh nhân 91 được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Là người điều trị trực tiếp cho nam phi công, bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Chợ Rẫy), cho hay, suốt một tuần sau đó là quãng thời gian khó khăn, căng thẳng nhất đối với các y, bác sĩ tại đây. Lúc đó, bệnh nhân vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO. Có thời điểm nhịp tim từ 100 lần/phút xuống còn 50-60 lần/phút.
Bệnh nhân sử dụng thuốc an thần liều rất cao, nhưng nếu dùng lâu dài sẽ dẫn đến nhờn thuốc, ảnh hưởng đến não trạng của bệnh nhân. Vì vậy, ê-kíp điều trị quyết tâm ngưng các thuốc an thần, giãn cơ. Tuy nhiên, khi ngưng thì bệnh nhân thở nhanh, nguy cơ thiếu ô xy cao. Trong khi đó, phổi còn tổn thương nặng, càng thở gắng sức, càng dễ gây vỡ phổi, tràn khí màng phổi... Ê - kíp điều trị phải mở khí quản. Nếu không can thiệp đúng lúc, bệnh nhân có thể đứng trước nguy cơ ngưng tim.
Trước những nguy cơ đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã huy động toàn lực để cứu sống bệnh nhân và nhanh chóng đạt những kết quả khả quan. Ngày 26-5, bệnh nhân ngưng dùng thuốc ngủ. Đến khuya 26-5, rạng sáng 27-6, bệnh nhân 91 bắt đầu có dấu hiệu tỉnh.
“Năm ngày sau, bệnh nhân đã thực hiện được theo y lệnh của bác sĩ. Sau đó chúng tôi cố gắng để cai ECMO, cho giảm dần các thông số. Nhưng để quyết định thời điểm cai ECMO không đơn giản, vì chỉ có thể thực hiện 1 lần và phải thành công. Nếu thất bại, phải đặt lại ECMO thì không thể còn mạch máu để đặt. Mỗi ngày phải điều chỉnh từng chút, đến ngày 4-6 mới cho cai hẳn ECMO”, bác sĩ Thanh Linh nhớ lại.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: "Khi bệnh nhân bắt đầu nói, anh ấy cảm ơn các y, bác sĩ. Liên lạc với bạn bè ở nước ngoài, anh ấy nói: "Nếu không ở Việt Nam, chắc tôi đã chết”".
Ngày 11-7, qua 115 ngày điều trị, với sự hồi phục kỳ diệu, bệnh nhân 91 đã xuất viện. Tham dự buổi chia tay giữa bệnh nhân 91 và các y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Ian Gibbons, Tổng Lãnh sự Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại thành phố Hồ Chí Minh nói: "Tôi xin được mượn lời của phi công 91, công dân Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, cảm ơn Việt Nam từ tận đáy lòng. Và không chỉ bệnh nhân 91, có rất nhiều công dân Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland khác đã được ngành Y tế Việt Nam quan tâm chu đáo trong việc cách ly, điều trị Covid-19. Họ đều tỏ lòng biết ơn Việt Nam".
Cũng trong ngày 11-7, đại diện CDC Mỹ, bác sĩ Drew Posey đã gửi thư điện tử đến Bệnh viện Chợ Rẫy để chúc mừng sự thành công của bệnh viện trong việc điều trị cho bệnh nhân 91. Bức thư viết: “Giữa rất nhiều tin tức không vui về tình hình đại dịch, thật tuyệt vời khi thấy các bác sĩ Việt Nam nhận được sự chú ý tích cực của báo chí quốc tế như vậy”.