EU cảnh báo suy thoái do Covid-19 có thể phá vỡ Eurozone
Thế giới - Ngày đăng : 07:02, 12/07/2020
Theo ông Gentiloni, các nền kinh tế thuộc Eurozone đang bên bờ vực do Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đang bị co lại. Tại các quốc gia như Italia, Pháp và Tây Ban Nha, chỉ số này giảm khoảng 10-11%.
Ông Gentiloni cũng nhấn mạnh, các quốc gia EU cần nhất trí một kế hoạch hồi phục kinh tế sớm nhất có thể khi mà việc này sẽ xây dựng lòng tin vào nền kinh tế của mỗi quốc gia và góp phần vào một sự phục hồi nhanh chóng hơn.
Theo thống kê, tính đến 6h ngày 12-7, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 12.823.561 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 566.927 ca tử vong.
Châu Mỹ
Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 với 3.352.172 ca mắc và 137.369 ca tử vong. Trong ngày 11-7, nước này đã ghi nhận thêm 58.245 ca mắc, ngày thứ tư liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục trong ngày.
Thống đốc bang Texas Greg Abbott cảnh báo sẽ có thêm các biện pháp hạn chế mới do tình hình có khả năng diễn biến xấu hơn. Ông cho biết, nếu không thể khống chế dịch bệnh, bước tiếp theo sẽ là áp đặt lệnh phong tỏa. Trong khi đó, bất chấp số ca mắc mới tăng lên, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis tuyên bố sẽ không đóng cửa lại bang này.
Trước tình hình này, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Isaac Bogoch thuộc bệnh viện đa khoa Toronto (Canada) nhận định biên giới giữa Canada và Mỹ cần được đóng tới năm 2021, trừ khi có một điều kỳ diệu xảy ra làm giảm được tình trạng lây lan dịch Covid-19 ở Mỹ.
Tại Bolivia, Chủ tịch Thượng viện Monica Eva Copa cho biết, bà đã nhiễm vi rút SARS-CoV-2 và khẳng định đang tuân thủ phác đồ điều trị và sẽ duy trì cách ly trong thời gian cần thiết.
Trong khi đó, Chính phủ Venezuela thông báo kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng. Đây là lần thứ tư liên tiếp Venezuela gia hạn tình trạng khẩn cấp do Covid-19. Nước này hiện ghi nhận 8.803 ca nhiễm và 83 ca tử vong do Covid-19, ít hơn nhiều so với các quốc gia láng giềng Mỹ Latinh khác. Tuy nhiên, số ca nhiễm tại đây đang tăng nhanh trong thời gian gần đây.
Châu Á
Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Trung Quốc đã công bố một báo cáo cho thấy tình hình dịch Covid-19 liên quan tới chợ đầu mối Tân Phát Địa ở thủ đô Bắc Kinh đã được kiểm soát hiệu quả.
Theo báo cáo trên, các ca lây nhiễm liên quan tới chợ Tân Phát Địa, bùng phát tại các địa điểm khác như tỉnh Hà Bắc, Liêu Ninh và Chiết Giang đều đã được khống chế.
Ngày 11-7, Nhật Bản ghi nhận 378 người mắc Covid-19, trong đó khu vực thủ đô Tokyo chiếm tỷ lệ cao nhất với 206 ca. Điều đáng nói, một nhà trẻ ở quận Bunkyo, Tokyo xác nhận có 22 người nhiễm mới, trong đó có 20 cháu bé. Như vậy, trong 3 ngày liên tiếp, thủ đô Tokyo có số người mắc mới vượt 200 ca trong một ngày. Cùng ngày, chính quyền tỉnh Okinawa, thông báo đã áp lệnh phong tỏa đối với 2 căn cứ Hải quân Mỹ tại tỉnh này sau khi ghi nhận 61 ca nhiễm trong quân đội Mỹ vào tuần này.
Indonesia thông báo có thêm 1.671 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh lên 74.018 người. Số ca tử vong cũng tăng lên 3.535 trường hợp sau khi có thêm 66 người thiệt mạng vì Covid-19. Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto đã yêu cầu xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 đối với các quân nhân, sau khi phát hiện một ổ dịch lớn tại Trường Sĩ quan Lục quân ở thành phố Bandung, tỉnh Tây Java.
Thái Lan ghi nhận thêm 14 ca bệnh mới, mức tăng theo ngày cao nhất trong nhiều tuần qua. Tuy nhiên, tất cả đều là công dân Thái Lan trở về từ nước ngoài và đang được cách ly. Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ hai, giới chức Thái Lan cho rằng nước này cần duy trì quan điểm cấm các chuyến bay đối với toàn bộ du khách.
Tại Australia, với 216 ca mắc mới, ngày 11-7 là một trong những ngày có số ca mắc cao nhất ở bang Victoria, bang đông dân thứ hai của Australia. Chính quyền bang này đã quyết định phong tỏa thành phố Melbourne tuần qua do lo ngại lây nhiễm trong cộng đồng có thể gây ra làn sóng lây nhiễm thứ hai. Đây cũng là bang đầu tiên ở Australia yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra đường. Tuy nhiên, các ban khác ở Australia đã bắt đầu nới lỏng đi lại, dù vẫn đóng cửa với Victoria.
Châu Âu
Ngày 11-7, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết, Brazil và các nước Mỹ Latinh khác sẽ là những nước đầu tiên nhận được thuốc Avifavir điều trị Covid-19 do Nga điều chế.
Avifavir, loại thuốc điều trị Covid-19 đầu tiên của Nga, đã được Bộ Y tế nước này cấp phép hồi cuối tháng 5. Thuốc đã chứng minh hiệu quả điều trị trong 90% các cuộc thử nghiệm.
Đầu tuần này, Bộ Công Thương Nga đã nhận được yêu cầu cung cấp Avifavir từ Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), các nước Mỹ Latinh, châu Âu và Đông Nam Á.