Lễ hội - cần lắm những nét riêng
Văn hóa - Ngày đăng : 05:50, 12/07/2020
Mang hơi thở đời sống
Tối 27, 28-6 vừa qua, lễ hội đường phố và chương trình Hà Nội - Những ngày không thể nào quên nhằm tri ân lực lượng ở tuyến đầu chống dịch Covid-19, được tổ chức ở khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ, trong Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, đã được khán giả đón nhận nhiệt tình. Sự kiện đánh dấu sự trở lại của nghệ thuật đường phố với những chương trình ngoài trời được tổ chức thường xuyên vốn đã quen thuộc với người Hà Nội.
Nhưng, điều khiến người xem thực sự ấn tượng ở loại chương trình nói trên, khác với các chương trình ca múa nhạc thông thường, chính là thông điệp có tính thời sự của nó. Lễ hội đường phố mang tên Hà Nội - điểm đến xanh diễn ra vào tối 27-6 với sự tham gia của hơn 3.000 nghệ nhân, nghệ sĩ cùng sinh viên, học sinh Thủ đô... đã mang đến một không khí thực sự tươi vui, thanh bình. Bổ sung vào đó, chương trình ca múa nhạc Hà Nội - Những ngày không thể nào quên mang đến cảm xúc lắng đọng, hòa quyện tạo thành bức tranh tổng thể về cảm xúc của người dân Hà Nội hôm nay, khi vừa trải qua những ngày phòng, chống dịch căng thẳng.
Nghệ sĩ nhân dân Thúy Mùi, Tổng đạo diễn chương trình chia sẻ: “Đại dịch Covid-19 với Hà Nội cũng là một sự kiện có tính lịch sử. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, người dân đồng lòng, quyết tâm chống dịch... tạo nên một kết quả mà thế giới cũng nể phục. Chính bởi vậy, khi chương trình được thực hiện để tôn vinh, tri ân các y, bác sĩ và lực lượng ở tuyến đầu chống dịch Covid-19, góp phần khẳng định tinh thần đoàn kết, khí phách Hà Nội là nền tảng đưa Thủ đô phát triển vững mạnh, vượt qua mọi khó khăn thách thức, đã nhận được sự đồng cảm lớn của người xem”.
Phải có chất riêng
Lễ hội đường phố mang tên Hà Nội - điểm đến xanh và chương trình Hà Nội - Những ngày không thể nào quên chỉ là một trong số hàng loạt sự kiện được tổ chức trên phạm vi cả nước để đánh dấu sự trở lại sôi động của các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí vào tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, không phải sự kiện nào cũng tạo được chất riêng. Đa số lễ hội đường phố pha trộn màu sắc carnaval với những màn diễu hành nhiều màu sắc, còn các chương trình nghệ thuật đi kèm phần nhiều mang tính tạp kỹ.
Một trong những lý do dẫn tới điều nói trên, theo giới chuyên môn, đó là các sự kiện gắn với lễ hội khá giống nhau. Các sự kiện theo chủ đề lớn thường được tổ chức định kỳ hằng năm, khiến các đạo diễn rất khó tìm ra nét mới để khai thác. Chẳng hạn, lễ hội ở các địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc hiện nay cơ bản đều có múa sạp, múa ô, khèn... khiến người xem thấy nhàm. Đạo diễn Hoàng Nhật Nam, người thực hiện khá nhiều lễ hội từng chia sẻ: “Tham gia với vai trò tổng đạo diễn một lễ hội lớn buộc mình phải đối mặt với những thử thách lớn, bởi đã có quá nhiều đàn anh tên tuổi thực hiện, những ý tưởng hay đã được phô diễn thì mình còn gì đây?”.
Về giải pháp cho vấn đề này, Nghệ sĩ nhân dân Thúy Mùi cho rằng: “Người nghệ sĩ luôn luôn muốn làm mới, chương trình sau phải khác chương trình trước. Muốn làm thế thì người đạo diễn phải tìm được đặc trưng của từng vùng miền, phải tìm hiểu rất sâu về văn hóa. Cũng là chương trình ca múa nhạc thôi nhưng vẫn có thể khiến khán giả thổn thức nếu có cách sáng tạo riêng. Hay với các chương trình lễ hội đã có khuôn mẫu chung như carnaval cũng phải vận dụng văn hóa Việt Nam, đưa nét riêng của nghệ thuật truyền thống hoặc văn hóa đặc thù vào để tạo sự khác biệt”. Nhiều đạo diễn cũng cho rằng, mỗi lễ hội là một chuyên đề, đề tài khác nhau trong một không gian khác nhau. Khi đó, cần phải đắm mình trong không gian đó để sống, khơi gợi cảm hứng, tìm tòi những giá trị mới.
Luôn luôn sáng tạo, tìm tòi cái mới không chỉ để đáp ứng nhu cầu thụ hưởng nghệ thuật ngày càng cao của công chúng, mà còn là đòi hỏi tự thân của người nghệ sĩ, đặc biệt là với vai trò đạo diễn lễ hội ở Việt Nam hiện nay.