Kích cầu nội địa để lấy lại đà tăng trưởng
Kinh tế - Ngày đăng : 12:22, 12/07/2020
Kích thích tiêu thụ nội địa
Theo Sở Công Thương Hà Nội, mặc dù bị tác động bởi dịch Covid-19, thành phố vẫn duy trì tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 3,39% trong 6 tháng đầu năm 2020, mức tăng cao so với các tỉnh, thành phố và mức chung của cả nước.
Từ tháng 5, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã dần phục hồi, các chỉ tiêu cao hơn so với tháng 4. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 3,5%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 6,6%; tổng mức bán lẻ tăng 0,5%...
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, doanh thu bán lẻ tăng do thời gian vừa qua thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa sau giai đoạn hết giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Các siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm nguồn cung hàng hóa dồi dào, không có biến động về giá, triển khai các hình thức mua sắm trực tuyến đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) Vũ Thanh Sơn cho hay, thời gian qua Hapro đã tổ chức nhiều chương trình liên kết, đưa các đặc sản vùng miền vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart, Haprofood, Intimex...
"Việc triển khai hệ thống phân phối, liên kết chuỗi với các nhà cung ứng sẽ tạo được thị trường ổn định, giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm tốt, giá hợp lý, đặc biệt hỗ trợ tiêu thụ nông sản xuất khẩu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp", ông Vũ Thanh Sơn phân tích.
Còn theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Phương, hàng loạt hoạt động kết nối nông sản, đặc sản vùng miền với người tiêu dùng Thủ đô đã được tổ chức tại chuỗi siêu thị Big C của tập đoàn.
Thông qua các hoạt động đó, hệ thống siêu thị Big C kết nối được với nhiều nhà cung cấp mới, tạo cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã đưa các sản phẩm nông sản địa phương vào bày bán tại hệ thống siêu thị của Big C lâu dài và ổn định, qua đó, đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm hàng hóa đặc sản vùng miền ngày càng tăng cao của người tiêu dùng.
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Phan Trúc Linh (ngõ 12 phố Ngụy Như Kon Tum, quận Thanh Xuân) chia sẻ: "Các hội chợ, tuần hàng trái cây, nông sản hay chương trình khuyến mại tập trung... là dịp để người tiêu dùng tiếp cận được các loại hàng hóa trong nước, đặc sản vùng miền nổi tiếng ngay tại Hà Nội, với mức giá hợp lý. Quan trọng hơn, giúp người tiêu dùng có thể yên tâm về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm".
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế gấp 1,3 lần tăng trưởng chung cả nước, trong 6 tháng cuối năm, Hà Nội tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; trong đó, có hàng loạt chương trình kích cầu thị trường...
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tổ chức 18 chương trình kích cầu; từ 5 đến 8 đoàn doanh nghiệp liên kết, giao thương tại các tỉnh, thành phố...
Đồng thời, thành phố tổ chức khoảng 5 hội nghị hoạt động giao thương hàng hóa, phục vụ tiêu dùng và hỗ trợ các tỉnh, thành phố tiêu thụ sản phẩm theo mùa vụ. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ các địa phương tổ chức từ 15 đến 20 tuần lễ trái cây, hàng nông sản tại Hà Nội...
Đặc biệt, Hà Nội tiếp tục triển khai chương trình khuyến mại tập trung trong 3 tháng (tháng 6, 7 và 11-2020), với mức khuyến mại tối đa lên tới 100%. Chương trình quy tụ các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, gắn với nhiều sự kiện, như: "Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam", các tuần hàng Việt Nam... Hà Nội quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng nội địa, làm đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Để tận dụng cơ hội từ các hoạt động này, bên cạnh sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan quản lý, theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú, các doanh nghiệp phải có sản phẩm chất lượng, giá cạnh tranh, dịch vụ sau bán hàng tốt... để đưa vào các hệ thống phân phối một cách bài bản.
Còn Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đề xuất có thêm chính sách giảm thuế, cắt giảm thủ tục hành chính để có thêm dư địa kích cầu tiêu dùng.