Thay đổi nếp nghĩ, nếp sống!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:01, 13/07/2020
Điều dễ nhận thấy, những đòi hỏi tất yếu của một xã hội văn minh mà trước đây, dù được nói đến, được phát động thành phong trào, song không phải ai cũng nhất tâm thực hiện, thì nay đứng trước dịch Covid-19 đã được tuân thủ một cách tự nguyện và chủ động, như: Vệ sinh tay bằng dung dịch sát khuẩn, tích cực vệ sinh nhà cửa, ngõ xóm, luyện tập thể thao nâng cao sức khỏe... Thói quen uống chung nhau ly bia, ly rượu, tính hiếu kỳ, chen chân vào đám đông cũng ít đi; tình trạng xả rác nơi công cộng, các hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh giảm rõ rệt… Và nữa, trong thời gian thực hiện giãn cách, cách ly xã hội, người Hà Nội đã làm được những điều tưởng như không thể, như xóa bỏ chuyện ăn uống linh đình - vốn là hủ tục phức tạp, đã trở thành "thâm căn cố đế" trong việc cưới, việc tang; đồng thời hình thành những nét văn hóa mới trong thời công nghệ số, như xúc tiến thương mại điện tử, mua bán qua mạng...
Đó chính là những điều căn cốt trong văn hóa ứng xử cần được nhân rộng trong đời sống hiện tại. Tuy nhiên, khi nhịp sống thành phố trở lại bình thường, dịch Covid-19 không còn là nỗi lo thường trực của mỗi người, thì những nét đẹp, thói quen mới hình thành trong đời sống thường nhật của người Hà Nội đang có dấu hiệu dần mai một. Câu hỏi đặt ra, chúng ta phải làm gì để phát huy nét đẹp văn hóa có được ở những ngày “cách ly”, “giãn cách” trong việc thúc đẩy xây dựng một Hà Nội thanh lịch, văn minh?
Trước hết, từ thói quen hình thành trong một điều kiện nhất định trở thành lối sống trong mỗi con người cần phải có sự điều chỉnh, dẫn dắt bởi những quy định chung của cộng đồng. Do vậy, những nét văn hóa trong những ngày tháng Hà Nội “gồng mình” chống dịch Covid-19 cần được hiện thực hóa bởi những hương ước, quy ước của cộng đồng, những quy định trong cung cách ứng xử ở nơi công cộng và trong các cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp... Cùng với đó là những chế tài xử phạt đủ sức răn đe với những hành vi phản văn hóa.
Mặt khác, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền, góp phần nhân rộng những việc làm, hành động nhân văn cao đẹp, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, lên án những thói hư, tật xấu, từng bước tạo dựng những không gian sống lành mạnh, lan tỏa năng lượng tích cực trong đời sống xã hội. Các cấp chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể cũng cần có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời nhằm tôn vinh, nuôi dưỡng, nhân rộng những hành động, mô hình đẹp trong cộng đồng.
Và điều quan trọng nhất, mỗi người dân Thủ đô cần thay đổi tư duy, phát huy hơn nữa cung cách ứng xử văn minh, thanh lịch, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong đời sống thường nhật để tinh thần “tối lửa tắt đèn có nhau” lan tỏa mạnh mẽ hơn trong đời sống cộng đồng, tình nghĩa xóm làng thật sự là điểm tựa của tinh thần nhân văn, nhân ái và những giá trị gia đình mãi mãi là ngọn lửa sưởi ấm yêu thương…
Nếu có một thay đổi mạnh mẽ trong tư duy, hoàn toàn có thể thay đổi được nếp nghĩ, nếp sống, những hủ tục, thói quen không phù hợp với đời sống văn minh; đồng thời hình thành những nét đẹp, những giá trị văn hóa mới, để Hà Nội thật sự là Thủ đô giàu đẹp, văn hiến, văn minh và hiện đại.