Nỗi lo tai nạn thương tích ở trẻ em

Xã hội - Ngày đăng : 06:19, 13/07/2020

(HNM) - Cứ vào dịp hè, tại các bệnh viện lại ghi nhận nhiều ca tai nạn thương tích là trẻ em. Phần lớn những trường hợp tai nạn ở trẻ do sự bất cẩn của người lớn, trong đó có trường hợp để lại hậu quả hết sức đau lòng. Bởi vậy, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ là điều vô cùng quan trọng, cần sự vào cuộc của cả cộng đồng.

Tổ chức các lớp học bơi trong dịp hè sẽ góp phần giảm tai nạn thương tích cho trẻ em. Ảnh: Nguyễn Quang

Đủ kiểu trẻ em bị tai nạn thương tích

Chỉ trong 4 ngày cuối tháng 6-2020, trên địa bàn huyện Gia Lâm đã có 2 trường hợp trẻ tử vong vì đuối nước do sự bất cẩn của gia đình, trong đó có một bé trai 6 tuổi (ở xã Dương Quang) và một bé trai 3 tuổi (ở xã Kim Sơn). Cũng trong tháng 6-2020, Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận 12 trường hợp trẻ bị đuối nước (tăng gấp 4 lần trung bình các tháng trước đó). Điều đáng nói, gần một nửa trong số trẻ bị đuối nước xảy ra tại bể bơi và hầu hết đều phải thở máy, lọc máu do bị chìm trong nước quá lâu hoặc sơ cứu sai cách. 

Bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, có trường hợp cả gia đình đi nghỉ mát, cho trẻ đi bơi và bị chìm trong bể một lúc mới phát hiện ra. Khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu, trẻ đã trong tình trạng tổn thương rất nặng. “Đáng tiếc, có ba trường hợp, chúng tôi cố gắng hết sức, vẫn không thể cứu được. Còn có trường hợp dù cứu được, nhưng di chứng thần kinh để lại rất nặng nề. Năm nào cũng vậy, tình trạng trẻ em đuối nước thường gia tăng vào dịp thời tiết nắng nóng, nhất là khi học sinh bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè”, bác sĩ Tạ Anh Tuấn cho biết thêm.

Không chỉ có trẻ em bị đuối nước, tại Khoa Cấp cứu - Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương), trung bình mỗi năm tiếp nhận từ 1.000 đến 2.000 trẻ bị tai nạn thương tích do hóc dị vật, ngộ độc do uống nhầm xăng, thuốc diệt cỏ, bị bỏng, điện giật… Mới đây, các bác sĩ của bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật nội soi trong 4 tiếng đồng hồ để lấy ra từ cơ thể bé gái 3 tuổi (ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) một chiếc kim khâu dài khoảng 4cm. Hai ngày trước khi nhập viện, trong lúc chơi đùa, bé gái này đã vô tình nằm đè vào chiếc kim khâu…

Tương tự, Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) đã cấp cứu thành công cho bé trai 22 tháng tuổi (ở quận Long Biên) bị hóc dị vật là một chiếc kẹo. Còn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, các bác sĩ của Khoa Phẫu thuật hàm mặt - tạo hình - thẩm mỹ vừa tiến hành ca phẫu thuật kéo dài 4 tiếng để nối đốt ngón tay đứt rời cho bé trai 11 tuổi (ở tỉnh Bắc Ninh) do sử dụng dao để bổ bưởi…

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Anh Tuấn, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, trẻ em chiếm khoảng 50% tổng số nạn nhân bỏng tại bệnh viện, trong đó lứa tuổi từ 1 đến 5 tuổi chiếm khoảng 50%-60%. Ở lứa tuổi này trẻ rất hiếu động, thích khám phá, tìm hiểu xung quanh, nhưng lại chưa ý thức và chưa có khả năng phòng tránh các mối nguy hiểm. Đặc biệt, trẻ em khi bị bỏng, dù diện tích nhỏ cũng có thể gây rối loạn toàn thân, diễn biến bệnh thường phức tạp hơn, quá trình điều trị cũng gặp khó khăn hơn người lớn.

Bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức kiểm tra ngón tay của bệnh nhi 11 tuổi (ở tỉnh Bắc Ninh) sau khi được nối lại.

Tăng cường tập huấn sơ cứu 

Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có hơn 370.000 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó các tình huống thường gặp là bị té ngã từ trên cao, đuối nước, tai nạn giao thông... Riêng tại Hà Nội, mỗi năm có khoảng 90.000 trường hợp bị tai nạn thương tích, trong đó có gần 700 ca tử vong. 

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong để lại di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Đa phần các trường hợp tai nạn thương tích xảy ra ở trẻ là do sự bất cẩn của người lớn. Do đó, cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quan tâm, chú ý của người lớn trong quá trình nuôi dạy, chăm sóc trẻ. “Với những trẻ chưa biết đi, cha mẹ, người chăm sóc phải luôn bên cạnh khi trẻ ăn, ngủ, chơi. Những nơi như: Cầu thang, cửa sổ, ban công… bắt buộc phải có rào chắn hoặc thanh bảo vệ. Ngoài ra, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cũng nên học các kỹ thuật sơ cứu với một số tai nạn thương tích thường gặp”, ông Hoàng Đức Hạnh khuyến cáo.

Bác sĩ Lê Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu - Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) chia sẻ, ngoài việc tổ chức các lớp học bơi, phòng chống đuối nước, tổ chức các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ trong dịp hè, tại các địa phương nên tăng cường các khóa tập huấn sơ cứu. “Trong cấp cứu trẻ bị đuối nước, chúng tôi hay gặp những trường hợp sơ cứu sai cách, đó là vác trẻ chạy để nước trong dạ dày thoát ra mà không biết rằng, hành động này vô tình làm mất “thời gian vàng” để cứu trẻ. Sơ cứu đúng cách là, khi đưa trẻ ra khỏi mặt nước, chúng ta phải thực hiện ép tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt, sau đó gọi cấp cứu. Việc sơ cứu vô cùng quan trọng và cần phải làm kịp thời, đúng cách để giảm nhẹ thương tổn”, bác sĩ Lê Ngọc Duy lưu ý.

Thu Trang