Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở: Mỗi năm giải quyết thành công 120.000 vụ, việc
Chính trị - Ngày đăng : 09:04, 13/07/2020
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ - Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Tham dự tại điểm cầu Trung ương còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện các ban Đảng Trung ương; đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Chủ tịch một số hội quần chúng…
Tại điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là Thường trực các tỉnh, thành ủy; Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố; đại diện các quận, huyện, thị ủy…
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội có đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, hoạt động hòa giải đã tồn tại từ lâu trong đời sống xã hội, là cách thức tốt đẹp được lựa chọn để giải quyết xích mích giữa các cá nhân, gia đình trong cộng đồng dân cư, góp phần phát huy văn hóa dân tộc, tăng cường tình làng, nghĩa xóm, mối liên kết tình cảm của văn hóa làng xã.
Dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đời sống mới” năm 1947: “Người là gốc của nước, nếu mọi người đều làm tốt đời sống mới thì dân tộc nhất định sẽ phú cường”, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, thực tế cho thấy, hòa giải là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan hành chính và tư pháp. Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác hòa giải.
Qua 6 năm thi hành, Luật Hòa giải ở cơ sở đã đi vào nền nếp, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột trong đời sống nhân dân một cách nhân văn, ít tốn kém, hiệu quả bền vững.
Báo cáo cho thấy, năm 2019, hầu hết các địa phương đã bố trí kinh phí thù lao cho hòa giải viên, hỗ trợ các tổ hòa giải hoạt động với tổng giá trị hơn 35 tỷ đồng. Từ năm 2014-2019, các tổ hòa giải cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải 875.312 vụ, việc; hòa giải thành công 707.945 vụ, việc (đạt tỷ lệ 80,9%); hòa giải không thành 167.367 vụ, việc.
Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải ở cơ sở trên phạm vi cả nước đã tiến hành hòa giải trên 140.000 vụ, việc và hòa giải thành công trên 120.000 vụ, việc. Số lượng các vụ, việc không phải đưa ra giải quyết tại cơ quan nhà nước đã tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền của cho nhân dân; giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp và giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách nhà nước.
Kiến nghị nhân rộng “Tổ hòa giải 5 tốt”
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều tham luận nhằm làm sâu sắc thêm ý nghĩa, hiệu quả của hoạt động hòa giải tại cơ sở. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, thành phố Hà Nội có 5.427 tổ hòa giải và 34.390 hòa giải viên. Kể từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực, tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Thành phố đã đẩy mạnh việc quán triệt, triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nổi bật là mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” được thành phố triển khai từ năm 2003 đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác hòa giải ở cơ sở. Cùng với việc kiện toàn đội ngũ hòa giải viên, kinh phí triển khai công tác hòa giải ở cơ sở được quan tâm và tăng cường. Nhờ vậy, tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn thành phố trong các năm 2018, 2019 tăng cao. Trong đó, năm 2018 đạt 86,3%, năm 2019 đạt 85,6%, tăng cao hơn giai đoạn 2014-2017 (tỷ lệ hòa giải chỉ đạt 81,86%)...
“Việc triển khai mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, gắn kết mô hình với tiêu chí đánh giá xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, đã giúp công tác hòa giải đi vào nền nếp; góp phần giải quyết “điểm nóng” từ cơ sở, giữ vững ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn Thủ đô”, đồng chí Lê Hồng Sơn cho biết.
Từ những kết quả đạt được trong thực hiện mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, thành phố Hà Nội kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu triển khai nhân rộng mô hình này trên phạm vi toàn quốc; đồng thời có hình thức vinh danh, biểu dương đối với hòa giải viên tiêu biểu có thời gian công tác lâu năm, có nhiều thành tích đóng góp cho công tác hòa giải ở cơ sở…
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, thời gian tới, Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành Tư pháp, Tòa án sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ để cùng thực hành tốt kỹ năng “dân vận khéo” trong công tác hòa giải, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này, qua đó thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị.
Ngành Tư pháp cũng sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc Luật Hòa giải ở cơ sở, củng cố đội ngũ hòa giải viên, từng bước chuyên nghiệp hóa. Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông về vị trí, vai trò, ý nghĩa của hòa giải ở cơ sở để từng bước hình thành thói quen sử dụng phương thức này trong giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư…