Ngăn chặn sử dụng quyền lực để trục lợi

Xây & Chống - Ngày đăng : 06:37, 13/07/2020

(HNM) - Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ rõ những biểu hiện suy thoái của một số cán bộ, đảng viên đồng thời cảnh báo hai nguy cơ đối với một đảng cầm quyền: Một là, sai lầm về đường lối; hai là, sự suy thoái, biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Tiếc rằng, mặc dù qua mỗi giai đoạn cách mạng, mặc dù Đảng ta rất chú trọng công tác xây dựng Đảng cũng như thường xuyên tiến hành chỉnh đốn Đảng, song trong Đảng vẫn tồn tại một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị suy thoái, biến chất.

Trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có nêu ra 9 nhóm biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống. Trong số này, có hai biểu hiện rất đáng suy nghĩ liên quan tới quyền lực. Một là, biểu hiện “lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực”. Hai là, “sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”.

Không quá khó để nhận diện những biểu hiện cụ thể của các dạng suy thoái này trong thực tế cách mạng nước ta.

Trong kháng chiến chống Pháp, Cục trưởng Cục Quân nhu (Bộ Quốc phòng) Trần Dụ Châu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để biển thủ công quỹ, nhận hối lộ; sau đó dùng tiền của bất minh ăn chơi sa đọa. Ngày 5-9-1950, Trần Dụ Châu đã bị Tòa án quân sự tối cao xét xử và tuyên án tử hình. 

Sau khi đất nước thống nhất, trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khi nước ta chuyển sang cơ chế thị trường, tình trạng sử dụng quyền lực được giao để mưu lợi cá nhân diễn ra nhiều hơn, với nhiều cấp độ khác nhau, trong đó cả ở cán bộ cấp cao của Đảng. 

“Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi” - có thể kể đến sự việc “vi phạm về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone. Đó là vụ án "Nhận hối lộ" xảy ra tại Chi nhánh Lũng Lô miền Nam, Công ty Lũng Lô…

“Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực” có thể kể đến vụ việc "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm các quy định về quản lý đất đai; lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải quân, liên quan đến đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Là vụ việc chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép mảnh đất vàng 6.000m2 của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh... Và mới đây nhất là vụ sai phạm trong việc cho phép chuyển nhượng dự án phát triển khu nhà ở phường Phước Long B, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên (SAGRI)...

“Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi” - cũng không quá khó để nhận diện qua các vụ việc, các con số. Có thể kể đến những cá nhân đã liên quan tới công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển trong các vụ việc sai nguyên tắc như: Trịnh Xuân Thanh (về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang), Vũ Quang Hải (tham gia Hội đồng quản trị và giữ chức Phó Tổng Giám đốc Sabeco), Lê Phước Hoài Bảo (làm Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Quảng Nam)… 

Đó là con số: Từ năm 2017 đến hết năm 2019, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 3.572 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 4.287 cơ quan, tổ chức trực thuộc. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý: Thu hồi quyết định tuyển dụng với 252 trường hợp; thu hồi quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động bổ nhiệm với 271 trường hợp.

Và nhìn tổng thể hơn: Trong số gần 100 cán bộ diện Trung ương quản lý bị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xử lý kỷ luật từ năm 2016 đến nay, có tới 2 Ủy viên Bộ Chính trị, 21 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 23 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng công an, quân đội…

Những sự việc, con số đau xót, nhưng là cần thiết để Đảng trong sạch, vững mạnh hơn!

 Là cần thiết để nhân dân mãi tin yêu Đảng Cộng sản Việt Nam!

Nói về lợi ích của Đảng Cộng sản Việt Nam và đảng viên, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” xuất bản năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác… Vì vậy, mỗi người trong Đảng phải hiểu rằng: Lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng”. Các Cương lĩnh của Đảng ta sau đó cũng đều khẳng định xuyên suốt tư tưởng này.

Dùng quyền lực, chức trách được giao để mưu cầu lợi ích cá nhân là đi ngược với bản chất của Đảng, là đánh mất giá trị của người đảng viên! 

Bởi thế, những năm gần đây cùng với việc không ngừng xem xét bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống quy định pháp luật, Đảng ta cũng đặc biệt chú trọng việc hoàn chỉnh các quy định về kiểm soát quyền lực trong Đảng. Có thể kể đến các Quyết định 217-QĐ/TƯ (ngày 12-12-2013) của Ban Chấp hành Trung ương về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định 218-QĐ/TƯ (ngày 12-12-2013) của Ban Chấp hành Trung ương về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đặc biệt, gần đây nhất là Quy định số 205-QĐ/TƯ (ngày 23-9-2019) của Bộ Chính trị quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền…

Có thể nói, đây chính là những liều vắc xin hữu hiệu để trị bệnh “lạm dụng quyền lực trục lợi cá nhân” trong Đảng hiện nay. Vì thế, việc cần làm của mỗi cấp ủy là thường xuyên quán triệt và tổ chức thực hiện sâu sắc các quy định này.  Với mỗi cán bộ, đảng viên, cần phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, tự giác để nhân dân giám sát, giúp đỡ mình. 

Khi tâm sáng, lòng trong, thì lợi ích cá nhân mới hòa vào lợi ích tập thể một cách tự giác; quyền lực của chức trách được giao mới thật sự được kiểm soát để phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Long Hà