Tối ưu hóa hoạt động điều hành bay để giảm ùn tắc

Giao thông - Ngày đăng : 20:46, 14/07/2020

(HNMO) - Việc tối ưu hóa công tác điều hành hoạt động bay đã giảm đáng kể tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến và ùn tắc tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong thời gian hai sân bay này thực hiện dự án nâng cấp đường băng. Thời điểm này, những giải pháp đang được ngành Hàng không nỗ lực triển khai là điều phối slot (lượt cất/hạ cánh), giảm phân cách giữa các máy bay, mở tối đa quầy thủ tục, hệ thống máy soi...

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài mở tối đa các quầy check - in phục vụ hành khách.

Lo ngại trong những ngày này, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có thể ùn tắc, nên từ sáng sớm 14-7, anh Nguyễn Thanh Bình (trú tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) đã có mặt ở sân bay trước khoảng 2,5 tiếng, sớm hơn khuyến cáo của hãng hàng không, để bay đi thành phố Hồ Chí Minh. Sân bay đông nhưng mọi việc diễn ra khá thuận lợi, từ các khâu làm thủ tục bay cho đến khi lên máy bay. Chuyến bay từ Hà Nội đi thành phố Hồ Chí Minh xuất phát đúng giờ dự kiến.

Đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, những ngày này, lượng khách qua cảng trung bình đạt khoảng 75.000 người/ngày. Cao điểm nhất là ngày 12-7 vừa qua, tăng đột biến lên tới 84.050 người, cao hơn so với giai đoạn trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19.

Nhằm giải tỏa hành khách một cách nhanh nhất, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã chủ động thực hiện các biện pháp như: Tối ưu hóa hạ tầng trang thiết bị, bảo đảm đủ số lượng quầy làm thủ tục check - in cho các hãng hàng không; mở tối đa hệ thống máy soi chiếu an ninh; phối hợp với các hãng hàng không tăng cường lực lượng hỗ trợ hành khách... Nhờ đó, dù vào một số thời điểm lượng khách đông, nhưng tình trạng ùn ứ đã giảm đáng kể.

Để tránh tình trạng quá tải ở khu vực nhà chờ, do hiện tại ga quốc tế không có chuyến bay nên Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã chủ động đề xuất sử dụng cửa đi số 8, 9 ở ga quốc tế để nâng cao khả năng thông qua của hành khách quốc nội.

Nhằm tránh ùn tắc trên không và dưới mặt đất, Cục Hàng không Việt Nam đã kịp thời điều chỉnh cấp phép bay cho phù hợp với thực tế chỉ khai thác một đường cất hạ cánh. Cụ thể, tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay, trung bình có từ 30 - 32 chuyến/giờ, thay vì 44 chuyến/giờ như trước. Tại sân bay Nội Bài, Cục Hàng không Việt Nam cũng chỉ cho phép khai thác tối đa 27 chuyến/giờ, thay vì 34 chuyến/giờ như trước. Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, việc điều phối slot từ các khung giờ cao điểm sang giờ thấp điểm đã giải quyết được tình trạng nhiều máy bay phải bay vòng chờ hạ cánh.

Ngày cao điểm, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đón hơn 84.000 lượt khách qua cảng. Ảnh Phan Công

Về phía cơ quan quản lý bay, lực lượng kiểm soát viên không lưu đang phải căn thời gian, tính toán thật kỹ và điều hành linh hoạt để đan xen giữa một máy bay đi và một máy bay đến. Khi máy bay này vừa hạ cánh thì máy bay kia đã có mặt ở đầu đường băng để chuẩn bị cất cánh, tránh mất thời gian chờ đợi.

Ông Đoàn Hữu Gia, Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho rằng, để giảm ùn tắc trong điều kiện hạn chế khai thác vì sửa đường băng, nhất định phải giảm chuyến hoặc giãn chuyến sang giờ thấp điểm và tăng cường bay đêm.

VATM đang nỗ lực tối đa để giảm bớt bay vòng chờ hạ cánh, trước hết là giảm phân cách giữa các máy bay (khoảng cách giữa các máy bay khi còn ở trên trời) từ 5 dặm xuống còn 3 dặm. Kế đó, VATM cũng phối hợp với các hãng hàng không bảo đảm thời gian máy bay nổ máy hợp lý, ra đến đường băng là cất cánh, không nằm chờ trên đường băng.

Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, trong giai đoạn phải đóng một đường băng để sửa chữa, ngoài việc rà soát lại toàn bộ việc cấp slot, Cục đã yêu cầu Trung tâm điều phối khai thác tại các sân bay “trực chiến” như giai đoạn cao điểm Tết, bảo đảm đưa ra các quyết định nhanh nhất, chính xác nhất, tối ưu hóa công tác điều hành hoạt động bay trong tất cả các giai đoạn hoạt động của chuyến bay, bao gồm việc kiểm soát các vị trí đỗ máy bay, cửa ra máy bay, quầy thủ tục, đảo hành lý...

Tuấn Lương