Đọc sách: Đọc thơ trào phúng 1990 - 2005

Văn hóa - Ngày đăng : 08:47, 05/02/2005

Cười không chỉ là một nhu cầu sinh lý mà còn là một nhu cầu tâm lý. Vui cũng cười. Buồn (vì bất bình)… cũng cười, có điều giọng điệu khác nhau. Xưa cụ Nguyễn Khuyến cười bọn “tiến sĩ giấy” học thì dốt mà cũng đỗ ông nghè, ông Tú Xương cười bọn “quan xin, đậu lạy” và bọn quan lại “chồng chung vợ chạ”. Vậy cười cũng trở thành một thứ vũ khí mà thời nào, dân gian hay các nhà văn trào phúng đều sử dụng để phê phán, lên án những thói hư tật xấu hay bọn người có những thói hư tật xấu trong xã hội.

Cười không chỉ là một nhu cầu sinh lý mà còn là một nhu cầu tâm lý. Vui cũng cười. Buồn (vì bất bình)… cũng cười, có điều giọng điệu khác nhau. Xưa cụ Nguyễn Khuyến cười bọn “tiến sĩ giấy” học thì dốt mà cũng đỗ ông nghè, ông Tú Xương cười bọn “quan xin, đậu lạy” và bọn quan lại “chồng chung vợ chạ”. Vậy cười cũng trở thành một thứ vũ khí mà thời nào, dân gian hay các nhà văn trào phúng đều sử dụng để phê phán, lên án những thói hư tật xấu hay bọn người có những thói hư tật xấu trong xã hội.

Các nhà văn trong CLB Thơ trào phúng Hà Nội cũng sử dụng tiếng cười làm một vũ khí sắc bén để chế giễu, phê phán những mặt tiêu cực trong xã hội ta hiện nay. Hồ Khắc Bình lên án một hiện tượng tiêu cực trong học hành, thi cử gần đây đã khá phổ biến. Đó là loại “phao” (trong “Phao… tiêu đời”). Không phải là phao cứu người sắp chết đuối mà là loại “phao” các sĩ tử mang vào trường thi để… “cứu” mình trên cạn. Lê Khả Sĩ “chửi” bọn lừa dân lao động nộp tiền mong được đi kiếm ăn ở nước ngoài để lấy một số tiền lớn rồi chuồn thẳng. Ngô Thi tố cáo nạn cờ bạc, đua xe, rút ruột các công trình, hiện tượng khá phổ biến hiện nay.

Lã Vọng thường xuyên lên án tội ác của đế quốc. Yên Thao vạch trần những chuyện bê bối trong trường học mà ông gọi là “áp phe học đường”. Đặc biệt ngọn bút trào lộng sắc sảo của ông mượn những chuyện có thật như giá cả leo thang trên thị trường và dùng các nghịch lý để châm biếm (bài “Phương châm sống”)…

Và Thôi Sơn, Chu Mai Niệm, Lam Điền, Ngũ Liên Tùng…, các cây bút trào phúng thời danh đều có mặt trong tập thơ với một giọng giễu cợt… đau như hoạn. Các bậc “nhi nữ mà không thường tình” cũng đều căm ghét các thói hư tật xấu và mạnh mẽ lên án không thua các đấng mày râu. Trong số 57 nhà thơ ở CLB, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến nhà thơ lão thành Chu Hà, đã ngoài 90 tuổi, ngòi bút đả kích cũng mạnh mẽ không kém các bạn trẻ hơn.

“Thơ trào phúng 1990 - 2005“ đánh dấu một đoạn đường 15 năm của thể loại này trong lịch sử văn học của Thủ đô ta, một đóng góp đáng biểu dương như tấm bằng khen của UBND thành phố đã trao tặng.

HNM

ANHTHU