Đẩy nhanh quy hoạch để phát triển xứng tầm
Xã hội - Ngày đăng : 06:33, 15/07/2020
- Năm 2018, Sở NN&PTNT Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thế nhưng vì sao đến nay quy hoạch này vẫn chưa được phê duyệt để triển khai, thưa ông?
- Ngay sau khi có Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở NN&PTNT rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố. Theo đó, Sở NN&PTNT đã rà soát, cập nhật, điều chỉnh và lấy ý kiến của các cơ quan liên quan. Cuối năm 2018, Bộ NN&PTNT đã có văn bản thỏa thuận điều chỉnh quy hoạch do Sở NN&PTNT Hà Nội lập; đồng thời, đề nghị UBND thành phố Hà Nội báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định một số nội dung liên quan việc sử dụng đất, xây dựng công trình nằm trong không gian thoát lũ sông Hồng…
Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện quy hoạch, ngày 1-1-2019, Luật Quy hoạch và một số quy định pháp luật liên quan đến công tác quy hoạch có hiệu lực thi hành... Theo quy định, Bộ NN&PTNT có trách nhiệm lập, điều chỉnh Quy hoạch phòng, chống lũ của hệ thống sông có đê trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Còn UBND thành phố có trách nhiệm lập phương án phòng, chống lũ trên địa bàn và tích hợp vào quy hoạch chung của thành phố...
- Ông có thể cho biết, việc chưa phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội ảnh hưởng thế nào đến đời sống người dân, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố?
- Theo tôi, việc này có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân Thủ đô. Thực tế, Hà Nội hiện có 64 khu dân cư thuộc 14 quận, huyện với 141.624 hộ dân, tương ứng 564.545 nhân khẩu sinh sống lâu đời trong không gian thoát lũ sông Hồng. Do chưa được phê duyệt quy hoạch nên nhiều công trình văn hóa, trường học, trụ sở làm việc, trạm xá, nhà ở của người dân nhỏ hẹp, xuống cấp nhưng không được tu sửa, mở rộng; cơ quan chức năng cũng không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng cho người dân...
Ngoài ra, việc chậm phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết sông Hồng khiến 35.653ha bãi sông chưa được sử dụng hiệu quả, không ít dự án đã được nghiên cứu, lên kế hoạch từ nhiều năm nhưng chưa thể triển khai. Khi quy hoạch này được thông qua sẽ góp phần giải quyết có hiệu quả tình trạng dự án chậm triển khai gây lãng phí đất đai cũng như khai thác tiềm năng thu hút nguồn lực ngoài ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nằm ngoài bãi sông. Đây cũng là cơ sở để thành phố thực hiện chuyển đổi hợp lý quỹ đất nông nghiệp sang các mục đích phi nông nghiệp để phát triển đô thị… Đặc biệt, việc chậm phê duyệt quy hoạch cũng ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng Quy hoạch chung thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Như vậy, để đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phòng, chống lũ, tạo thuận lợi cho người dân sinh sống trong không gian thoát lũ cải tạo, sửa chữa nhà ở… Sở NN&PTNT Hà Nội tham mưu thế nào cho thành phố Hà Nội, thưa ông?
- Theo quy định, Bộ NN& PTNT là cơ quan có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất ven sông, phát triển đô thị xứng tầm, mới đây, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã làm việc với Bộ NN&PTNT để thúc đẩy tiến độ rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phòng, chống lũ trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã giao cơ quan chuyên môn tập trung cao độ để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong thời gian nhanh nhất.
Để sớm hoàn thành nhiệm vụ, Sở NN&PTNT đề xuất UBND thành phố cho phép sử dụng toàn bộ kết quả của nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố để chuyển thành nhiệm vụ lập “Phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội”…
Sở NN& PTNT cũng đã giao Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão rà soát, đề xuất giảm các thủ tục hành chính liên quan đến thỏa thuận cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng công trình nhà ở trên địa bàn nằm trong không gian thoát lũ sông Hồng, sông Thái Bình… sẵn sàng triển khai khi đủ căn cứ pháp lý.
- Trân trọng cảm ơn ông!